Lên phương án đưa người đang mắc kẹt tại TP.HCM trở về, trong ngày 19/7, Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã xác nhận cụ thể về số lượng người tiếp nhận, lịch trình và phương tiện di chuyển.
Trưa 19/7, Cổng thông tin TP Đà Nẵng xác nhận trong ngày 21/7, TP này sẽ đón 626 người quê Đà Nẵng về từ TP.HCM bằng máy bay.
Kế hoạch trước đó là Đà Nẵng sẽ đưa người quê Đà Nẵng đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM về bằng 16 chuyến xe giường nằm do Tập đoàn Phương Trang hỗ trợ. Phương án di chuyển bằng đường bộ sau đó thay đổi bằng đường hàng không, do vướng nhiều chốt kiểm soát tại các tỉnh dọc quốc lộ 1A đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
Dự kiến, 626 người sẽ từ TP.HCM về Đà Nẵng theo 3 chuyến bay khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 10h, 14h và 18h ngày 21/7.
Cụ thể, người có quê ở các huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn sẽ bay chuyến 10h ngày 21/7; người quê ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu sẽ bay chuyến 14h; người quê quận Sơn Trà và những người đến muộn sẽ bay trên chuyến cuối lúc 18h cùng ngày.
Khi xuống sân bay, ô tô sẽ đưa số người trên về cách ly tại 5 khách sạn ở ba quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Hải Châu.
Ông Phan Văn Sơn, Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho biết: “Khách sạn miễn phí tiền ở, người dân chỉ mất tiền ăn và dịch vụ như một cơ sở cách ly của nhà nước”, Vnexpress dẫn tin.
Hiện mức phí tại cơ sở cách ly của nhà nước là 80.000 đồng tiền ăn và 40.000 tiền dịch vụ mỗi người mỗi ngày.
Báo Đà Nẵng đưa tin khuyến nghị trước khi lên máy bay, người Đà Nẵng hồi hương cần chuẩn bị đủ giấy tờ tùy thân, chủ động test nhanh trước 24 tiếng kể từ thời điểm lên máy bay. Nếu chưa làm kịp test nhanh, mọi người cần có mặt trước giờ bay 2 tiếng để làm xét nghiệm… Người hồi hương đã đăng ký và có tên trong danh sách cần liên hệ với hội đồng hương các quận, huyện của mình để nắm thông tin, xác nhận chuyến bay.
Ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – ông Đặng Văn Minh gửi văn bản tới UBND TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Công an tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị phối hợp đón người Quảng Ngãi từ TP.HCM về.
Theo công bố trước đó, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Hội Đồng hương Quảng Ngãi ở TP.HCM sẽ đón khoảng 400 người thuộc diện khó khăn, không có nơi ở ổn định về quê bằng xe khách (miễn phí), chia làm 4 đợt, mỗi đợt 100 người. Nhóm người trên trở về sẽ cách ly ở khu cách ly tập trung do tỉnh quản lý (không tính phí cách ly).
Phòng khám Thiện Nhân (TP Quảng Ngãi) nhận hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho 400 người trên, xét nghiệm 3 lần/người theo quy định – bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết ngày 17/7, theo Tuổi Trẻ.
Theo văn bản ngày 19/7, ông Minh cho hay Hội Đồng hương Quảng Ngãi ở TP.HCM sẽ là đầu mối liên hệ các cơ quan chức năng tại TP.HCM để tổ chức đón người về, đồng thời đề nghị chính quyền TP.HCM và 7 tỉnh nêu trên cho phép xe với nhận diện “Xe đón công dân Quảng Ngãi về từ Thành phố Hồ Chí Minh” được đi qua các chốt kiểm soát phòng dịch.
Ngoài kế hoạch đón 400 người trên, tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau đó sẽ có kế hoạch tiếp nhận khoảng 1.500 – 2.000 người có nguyện vọng từ TP.HCM trở về (theo đợt). Những người này sẽ được cách ly tập trung tại các nhà nghỉ, khách sạn, và tự trả các phí dịch vụ cách ly trong 14 ngày theo quy định.
Ngoài Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã xác nhận kế hoạch đưa người về, giới chức các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Bình Thuận, Hà Tĩnh từ các ngày 14-17/7 thông báo đang lên phương án đón người dân mắc kẹt ở TP.HCM trở về, hiện chưa có công bố kế hoạch cụ thể về số lượng và phương tiện di chuyển và địa điểm cách ly. Tại chốt kiểm dịch Cai Chanh, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), ước tính trong ba ngày, từ 16-18/7, đã có hàng chục nghìn người từ các tỉnh phía Nam đổ về Tây Nguyên. “Theo thống kê, ngày 16/7 có khoảng 8.000 lượt người. Ngày 17/7, tăng lên là 10.000 lượt người. Ngày hôm nay (18/7) chúng tôi chưa có con số thống kê, nhưng dự báo số lượng này sẽ gia tăng cao” – Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) – ông Phan Nhật Thanh cho biết vào chiều 18/7, theo Việt Nam Net. Số người trở về chủ yếu là công nhân, sinh viên từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Hầu hết người về các tỉnh Tây Nguyên, một số ít về các tỉnh phía Bắc để tránh mắc kẹt do thất nghiệp, cạn kiệt tiền trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ. |
Minh Sơn
Xem thêm:
Bộ Công thương: Chuỗi cung ứng đã ‘đứt gãy’, cần mở lại chợ, tiểu thương sẽ tiêm vắc-xin
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…