Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng vừa chủ trì cuộc họp kiểm tra 8 tỉnh thành phía Bắc gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phú, Phú Thọ, Hải Dương về việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Tại buổi họp, ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết trong việc triển khai Chính phủ điện tử, các địa phương đã bắt đầu triển khai nền tảng chính quyền điện tử; đã hoàn thành việc kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của VPCP để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử.
Theo đó, từ ngày 12/3 đến 20/8, đã có hơn 86.000 văn bản gửi và hơn 263.000 văn bản nhận qua trục liên thông. Đáng chú ý, hầu hết trong số 353 thủ tục hành chính đã được các địa phương triển khai cung cấp trực tuyến theo quyết định của Thủ tướng, 91 thủ tục đang được các địa phương triển khai. Một số địa phương có số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 khá cao; chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cải thiện như: Hà Nội đứng thứ hai, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí thứ 5,…
Tuy nhiên, ông Hải cho hay vẫn còn những nhiệm vụ chậm triển khai và chưa đáp ứng yêu cầu; không ít địa phương vẫn chưa thực hiện việc ký số, chưa thực hiện việc gửi nhận văn bản trên hệ thống điện tử mà vẫn dùng văn bản giấy như bình thường, gây tốn kém, lãng phí,…
Dẫn số liệu, ông Hải thông tin tại Hải Dương đã cung cấp hơn 1.700 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3; 118 dịch vụ ở mức độ 4 (gửi nhận qua mạng, người nộp, gửi hồ sơ không gặp, tiếp xúc trực tiếp với cán bộ công chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục) nhưng thực tế, qua đánh giá, các dịch vụ này trên cổng dịch vụ công của tỉnh không đáp ứng được yêu cầu triển khai. Số hồ sơ trực tuyến phát sinh, theo đó, còn rất thấp, thậm chí có địa phương như Bắc Ninh không có hồ sơ nào được ghi nhận trên hệ thống,…
Đáng chú ý tại buổi họp, theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà, tỉnh đã triển khai ứng dụng Zalo để công khai thủ tục hành chính và hướng dẫn thủ tục hành chính trên Zalo.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Vấn đề dùng Zalo trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần cân nhắc kỹ về vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng như vậy”.
Bộ trưởng cho biết tỉnh Quảng Trị cũng vừa đặt vấn đề cung cấp toàn bộ dịch vụ công trên ứng dụng Zalo.
“Trước hết, Bộ TT&TT cần phải đánh giá, thẩm định, xem xét kỹ việc này, phải “cầm trịch” hoạt động này chứ không để các địa phương tự chọn, áp dụng các ứng dụng khác nhau” – Bộ trưởng nói.
Zalo thuộc Công ty Cổ phần VNG, có trên 40 triệu tài khoản. Đến thời điểm hiện tại, Zalo đã hợp tác với trên 30 tỉnh thành trong việc triển khai mô hình hành chính công 4.0, nhằm cải cách hành chính và tương tác với người dân, xây dựng mô hình thành phố thông minh, cung cấp cho người dân tính năng kiểm tra tình trạng hồ sơ, góp ý với các cơ quan nhà nước hoặc cập nhật những thông tin, chính sách, dự thảo luật mới nhất,…
Năm 2018, Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM có văn bản xử phạt hành chính đối với hoạt động mạng xã hội không phép của Zalo.
Mới đây, giữa tháng 7/2019, Thanh tra Sở này có văn bản đề nghị các nhà đăng ký và quản lý tên miền tại Việt Nam dừng cung cấp hai tên miền là Zalo.vn và Zalo.me thuộc sở hữu của công ty VNG.
Nguyên nhân là vì hai tên miền này cung cấp dịch vụ mạng xã hội nhưng không có giấy phép thiết lập mạng xã hội nên buộc cơ quản quản lý phải ra văn bản yêu cầu thu hồi.
Hiện Zalo đã nộp hồ sơ xin cấp phép mạng xã hội. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn chưa có thông tin chính thức về vấn đề này.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…