Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông – một dự án với Tổng thầu Trung Quốc; gần chục lần lỡ tiến độ; đội vốn “khủng” gần 10.000 tỷ đồng.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết cử tri Hà Nội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và cho rằng dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông và đường sắt đô thị tuyến Nhổn – Ga Hà Nội bị đội vốn rất nhiều và liên tục lùi thời gian hoàn thành, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của đất nước.
Vì thế, cử tri nhiều quận, huyện, thị xã của TP đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể đối với các dự án trên, tránh việc chỉ đổ lỗi cho tập thể và cho nhà thầu.
Liên quan đến dự án, báo cáo gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay, công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị đã cơ bản hoàn thành, hiện đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý; vận hành thử toàn hệ thống và đánh giá an toàn hệ thống; khắc phục một số tồn tại để đảm bảo yêu cầu so với thiết kế làm cơ sở để tiến hành nghiệm thu Dự án. Đồng thời, Bộ đang yêu cầu xây dựng kế hoạch bàn giao đưa Dự án vào khai thác trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện (hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống và được Hội đồng nghiệm thu nhà nước chấp thuận).
Tuy nhiên, Bộ này cũng cho rằng do dịch viêm phổi Vũ Hán nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của dự án. Đến nay, các nhân sự của Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh.
Hiện Bộ đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để báo cáo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án.
Dự án Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13km, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng thầu EPC do phía Trung Quốc chỉ định (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc). Dự án sau đó được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Dự kiến ban đầu, tháng 6/2014, dự án hoàn thành toàn bộ công trình. Đến ngày 30/6/2015, dự án khai thác chính thức. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã trải qua gần 10 lần lỡ hẹn: Năm 2015: Tổng thầu EPC báo cáo tiến độ nhà ga trên tuyến mới chỉ đạt 30-50% khối lượng, xin lùi tiến độ. Sau đó, Bộ đã yêu cầu dự án hoàn thành ngày 30/6/2016. Đầu năm 2016, dự án lại lỡ hẹn vì thi công nhỏ giọt. Bộ lại yêu cầu dự án phải hoàn thành xây lắp vào ngày 31/12/2016; vận hành chính thức quý II/2017; rồi lại lùi đến năm 2018, rồi quý IV/2018, tiếp tục tới tháng 4/2019, rồi quý II/2019. Báo cáo tại kỳ họp thứ 8, cuối năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết dự kiến, dự án được thực hiện công tác nghiệm thu, chuyển giao vào ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, do tiến độ tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết nên theo đánh giá của Bộ, mốc thời gian này là khó khả thi. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT bàn với Trung Quốc xử lý dứt điểm dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước tháng 6/2020. |
Các dự án đường sắt đô thị khác chậm tiến độ cũng được Bộ GTVT báo cáo như: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi: Hiện Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho chủ trương triển khai dự án giai đoạn I và thực hiện công tác điều chỉnh giai đoạn IIA. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội (UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư), đến thời điểm hiện tại, tiến độ đạt khoảng 71,5% (đoạn trên cao) và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. Dự án đường sắt đô thị TP.HCM (do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư), Bộ trưởng cho biết, tuyến Bến Thành – Suối Tiên sản lượng đạt 73%; tuyến Bến Thành – Tham Lương đã hoàn thành gói CP1 – xây dựng tòa nhà văn phòng, khu Depot, các gói thầu khác đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Ngoài các dự án trên, đường bộ cũng có dự án chậm tiến độ là cao tốc Bến Lức – Long Thành với sản lượng đạt khoảng 78,19% (chậm 17,20%). Tiến độ thực hiện chậm gồm các gói thầu đoạn sử dụng vốn ADB phía Tây và đoạn sử dụng vốn JICA yêu cầu hoàn thành trước Quý II/2019; các gói thầu sử dụng vốn ADB đoạn phía Tây yêu cầu hoàn thành trước 31/12/2020. Nguyên nhân các gói thầu vốn ADB chậm do bị dừng giải ngân vốn nước ngoài và vốn đối ứng (vốn nước ngoài bị dừng do các thủ tục đầu tư như Hiệp định vay và thời gian thực hiện dự án chưa được điều chỉnh do hiện nay chưa xác định được cơ quan chủ quản/cấp quyết định đầu tư; vốn đối ứng bị dừng do Nghị định số 79 năm 2010 của Chính phủ quy định, dự án được áp dụng cơ chế vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, người vay lại phải tự thu xếp nguồn vốn đối ứng). Nguyên nhân các gói thầu JI, J3 sử dụng vốn JICA chậm do vốn đầu tư công từ năm 2019 chưa được bố trí cho VEC (Nghị quyết số 71 năm 2018 của Quốc hội yêu cầu chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam). |
Nguyễn Tuân
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…