Thay vì ga Ngọc Hồi như quy hoạch trước đây, đơn vị tư vấn đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có điểm đầu tại ga Hà Nội.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm. Ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt đô thị, phục vụ tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên. |
Liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) vừa có báo cáo đầu kỳ về quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội. Theo đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là ga Hà Nội thay vì ga Ngọc Hồi như trước đây.
TEDI cho biết trong dự án tiền khả thi trình Chính phủ năm 2019, TEDI đưa điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao là ga Hà Nội. Tuy nhiên, sau này quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 lại xác định điểm đầu là ga Ngọc Hồi.
Theo đơn vị tư vấn, việc quy hoạch mạng lưới đường sắt tốc độ cao bố trí ga đầu tại Ngọc Hồi ở phía Nam, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 10 km, sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách, đặc biệt là ở phía bắc sông Hồng.
Mặt khác, loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với các loại hình giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay.
Vì vậy, tư vấn đề xuất kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam về đến Ga Hà Nội.
Khi đó, ga Hà Nội là ga có chức năng phục vụ hành khách đường sắt đô thị kết hợp với hành khách đường sắt tốc độ cao; ga Ngọc Hồi vẫn là ga đầu mối phía Nam. Ga Hà Nội có tác nghiệp đón, tiễn hành khách tàu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Về đề xuất trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng việc chuyển ga điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao từ ga Ngọc Hồi về ga Hà Nội sẽ tối ưu hơn.
Theo ông Thủy, nếu vẫn giữ ga Hà Nội mà chuyển điểm đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam bằng ga Ngọc Hồi thì ga Ngọc Hồi phải xây dựng hàng chục nghìn tỷ đồng.
“Còn nếu quy hoạch vẫn lấy ga Hà Nội làm ga chính, và là điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam thì sẽ giảm chi phí. Từ đó, chúng ta chỉ tập trung quy hoạch khu vực ga Hà Nội, sẽ hợp lý hơn”, ông Thủy nói.
Theo TS Phan Lê Bình, ngoài việc thuận tiện cho hành khách khi đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào được nội đô thành phố, cũng cần tính đến việc mặt bằng có đáp ứng hay không? “Nếu không có đủ mặt bằng thì phải làm ngầm, làm nổi lên cao. Nếu áp dụng những phương pháp kỹ thuật này thì chi phí dự án sẽ bị đội lên rất nhiều”.
Chuyên gia đường sắt, ông Nguyễn Ân nói bất kỳ phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm. Việc đường sắt tốc độ cao về Ga Hà Nội sẽ nảy sinh vấn đề giao cắt giữa đường sắt tốc độ cao và giao thông nội đô.
Tuy nhiên, báo Vietnamnet dẫn lời một chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt (không nêu danh tính) cho rằng quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 đã được nghiên cứu kỹ, Thủ tướng cũng đã kết luận điểm đầu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam đặt ở ga Ngọc Hồi.
Chuyên gia này cho biết TP. Hà Nội cũng đã có quy hoạch dự kiến đưa huyện Thanh Trì (nơi có ga Ngọc Hồi) lên quận trong tương lai. Hơn thế nữa, về hạ tầng cơ quan quản lý cũng đang muốn dời ga Hà Nội về ga Ngọc Hồi.
Với đề xuất đặt điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ở ga Hà Nội, chuyên gia này nói cần phải nghiên cứu thêm. Vì với việc đưa tuyến đường sắt tốc độ cao vào sâu nội đô, câu chuyện giải quyết bài toán giao thông sẽ rất phức tạp.
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…