Thông tin trên do Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội – Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội diễn ra vào chiều 11/4.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC Hà Nội, trong quý 1/2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 291 vụ cháy, trong đó 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 1 vụ chết người, 3 vụ thiệt hại tài sản trên 3 tỷ đồng, cháy trung bình 50 vụ, cháy nhỏ 223 vụ, cháy rừng 13 vụ.
Các quận nội thành xảy ra nhiều vụ cháy nhất 197 vụ (chiếm 67,6% tổng số vụ), gồm: Hoàng Mai 27 vụ, Đống Đa 26 vụ, Ba Đình 22 vụ, Thanh Xuân 19 vụ, Cầu Giấy 15 vụ, Hoàn Kiếm 13 vụ…
Một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng như vụ hỏa hoạn tại số 40 Bát Đàn, 199 Minh Khai, nhà kho trên phố Phạm Hùng…
Nguyên nhân chủ yếu do sự cố điện và sơ suất khi sử dụng lửa, tổng cộng 235 vụ, chiếm 94,4% số vụ đã làm rõ nguyên nhân.
Nói về hiện trạng của công tác PCCC, ông Tuấn Anh cho biết do lực lượng còn mỏng nên công tác quản lý đối với các đơn vị, cơ sở còn thiếu sót. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC tuy đã được quan tâm song mức độ chuyến biến trong nhận thức của người đứng đầu đơn vị, cơ sở, nhân dân vẫn còn hạn chế.
Ông Tuấn Anh cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến khả năng cháy nổ, bao gồm cả khách quan và chủ quan. Tính riêng nhóm kinh doanh karaoke, năm 2016 đã kiểm tra 1.569 quán karaoke, trong đó lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 353 trường hợp, thu 871 triệu đồng; ra quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ 126 cơ sở, yêu cầu 531 cơ sở tạm dừng hoạt động để bổ sung các hạng mục an toàn.
Với nhóm nhà cao tầng, Hà Nội hiện có 1.077 nhà cao tầng. Giao thông xung quanh nhiều tòa nhà bị lấn chiếm để làm chỗ kinh doanh, đỗ xe ôtô, trồng cây cao… gây khó khăn cho việc tổ chức cho xe chữa cháy đến khi xảy ra cháy; ý thức của người dân chưa tốt khi cầu thang thoát nạn tại các nhà cao tầng bị biến thành nhà kho, lối cửa thoát hiểm bị chặn lại.
Về trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng PCCC của Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng được những những vụ cháy quy mô vừa và nhỏ. Ví dụ, xe thang chữa cháy của thành phố hiện chỉ vươn lên được độ cao 56m, khoảng tầng 15-16. Những nhà cao tầng hơn chủ tòa nhà phải có trách nhiệm tự đáp ứng công tác PCCC. Tuy nhiên trên thực tế, các công trình khi đưa vào nghiệm thu đều rất tốt nhưng khi kiểm tra rất nhiều nơi không đảm bảo.
Ngoài ra, theo khảo sát của đơn vị, Hà Nội có hơn 1.200 ngõ nhỏ khiến xe chữa cháy không tiếp cận được vị trí cháy, chưa kể các ngõ đều chằng chịt dây điện nên xe vào rất vướng.
Đặc biệt, toàn thành phố có 2.688 trụ nước cứu hỏa nhưng có tới 382 trụ nước qua kiểm tra không lấy được nước. Trong tổng số 1.193 bể dự trữ nước được kiểm tra, 87 bể không lấy được nước.
Đối với gần 400 trụ nước không có nước, ông Tuấn Anh cho biết do những trụ này nằm ở vị trí xa nhà máy nước, cuối nguồn, vào mùa hè lại rất ít nước. Giải pháp ông Tuấn Anh cho hay là khi chữa cháy ở khu vực nào, đơn vị chữa cháy gọi cho nhà máy nước khu vực đó tăng áp lực nước.
Cũng theo ông Tuấn Anh, ao hồ ở thành phố đã lấp nhiều, và dù cả thành phố và các chủ đầu tư khu đô thị, KCN đầu tư xây lắp trụ nước cứu hoả, hiện tại thành phố còn thiếu khoảng trên dưới 4.000 trụ nước chữa cháy.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…