Thuê ‘diễn viên’, làm giấy tờ giả, PGĐ chiếm đoạt hàng chục tỷ của 6 ngân hàng

Một phó giám đốc cùng đồng phạm dùng sổ đỏ thế chấp cùng giấy tờ ly hôn, thừa kế giả để đổi nhà đất sang tên mình, từ đó lừa 6 ngân hàng và 2 cá nhân hơn 47 tỷ đồng. Đại diện VKS và luật sư cho rằng cần triệu tập công chứng viên và người đứng tên sổ đỏ để làm rõ vai trò trong vụ án.

Ông Phùng Đức Thuấn và bà Đỗ Thị Hương dùng nhiều chiêu trò nhằm hợp thức hóa để sổ đỏ đứng tên mình, sau đó dùng vay tiền của ngân hàng rồi chiếm đoạt. (Ảnh: CTV Trí Thức VN)

Ngày 8/11, TAND TP. Hà Nội xét xử bị cáo Phùng Đức Thuấn (SN 1968, trú tại phường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) và bị cáo Đỗ Thị Hương (SN 1972, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định lần lượt tại Điều 174 và Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Thuấn nguyên là Phó giám đốc Công ty CP quốc tế Hà Nội Plaza.

Trước đây, ông Thuấn  có tiền án về tội Buôn bán hàng cấm (năm 1996) và tội Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (năm 2006) nhưng đã được xóa án tích.

Thuê “diễn viên”, làm giả giấy tờ để lừa đảo ngân hàng

Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến năm 2019, ông Thuấn và bà Hương đã cho nhiều người vay tiền và yêu cầu họ phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Sau đó, tại các văn phòng công chứng, ông Thuấn và bà Hương làm CMND giả của các chủ đất để làm hợp đồng chuyển nhượng đất cho mình hoặc những người mà hai người này thuê, nhờ. Mục đích là làm giả sổ đỏ để vay vốn, chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Vào khoảng đầu năm 2015, ông Nguyễn Văn T. (SN 1942) vay ông Thuấn 500 triệu đồng và cầm cố sổ đỏ có vị trí ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Ông Thuấn yêu cầu ông T. ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất và nói rằng mục đích để đảm bảo cho khoản vay trên.

Sau khi ký hợp đồng, ông Thuấn thuê người làm giả giấy tờ, trong đó có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm giả việc ông T. đã ly hôn vợ. Sau đó, ông Thuấn làm thủ tục sang tên nhà đất từ ông T. sang cho tên ông Thuấn. Ngày 14/4/2015, ông Thuấn thế chấp sổ đỏ trên để vay vốn ngân hàng P 6 tỷ đồng. Hiện nay, dư nợ gốc tại ngân hàng này của ông Thuấn còn 4,3 tỷ đồng.

Trường hợp khác là một phụ nữ cũng ở Hà Nội. Do cần tiền nên vợ chồng bà Lê Thu H. (SN 1976) đã gặp ông Thuấn tại Văn phòng CTCP quốc tế Hà Nội Plaza để vay 100 triệu đồng và thế chấp sổ đỏ mang tên Trần Thị M. (mẹ chồng bà Hà).

Sau đó, ông Thuấn bàn với bà Hương làm hồ sơ giả về việc phân chia thừa kế, rồi lập hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trên cho bà Hương. Qua các mối quan hệ, ông Thuấn tìm một người phụ nữ khoảng 60 tuổi để đóng giả bà M.. Tiếp theo, Ông Thuấn đưa người này đến văn phòng công chứng lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và ký hợp đồng thửa đất cho bà Hương.

Sau đó, bà Hương làm thủ tục để được cấp sổ đỏ mang tên mình. Ngày 20/12/2017, bà Hương dùng hồ sơ để vay vốn ngân hàng V hơn 5,9 tỷ đồng dùng vào mua đất.

Sau khi ngân hàng giải ngân, bà H. phát hiện bị ông Thuấn và bà Hương lừa đảo. Hiện ngân hàng này mới được các bị cáo trả lại 4,7 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngân hàng bị thiệt hại nặng nhất là ngân hàng Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Khoảng cuối năm 2018, ông Thuấn cho ông Trương Tuấn H. (SN 1965) vay 1,4 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm. Ông Thuấn giữ các giấy tờ gốc, gồm: sổ đỏ căn nhà ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội; giấy đăng ký kết hôn; CMND của vợ chồng ông H..

Có sẵn giấy tờ trong tay, ông Thuấn thuê người làm giả CMND của vợ ông H., rồi làm thủ tục công chứng chuyển nhượng nhà đất trên cho chính mình. Ngày 19/9/2018, ông Thuấn đưa ông H. đến ký hợp đồng trước, sau đó đưa người đóng giả vợ ông H. ký sau. Nhờ đó, ông Thuấn hoàn thành thủ tục chuyển đổi nhà đất trên sang tên mình. Vài ngày sau, ông Thuấn đem sổ đỏ này thế chấp, vay vốn ngân hàng 8,2 tỷ đồng.

Với những thủ đoạn trên, ông Thuấn và bà Hương đã cùng nhau thực hiện 17 phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng của 6 ngân hàng và  5,6 tỷ của 2 cá nhân. Khi có được tiền, ông Thuấn và bà Hương chia nhau tiêu xài.

Qua khám xét, cơ quan điều tra đã thu được các bản photocopy CMND giả, văn bản, hợp đồng chuyển nhượng đất do ông Thuấn và bà Hương thuê người làm giả với giá 5 triệu đồng/1 tài liệu,… Tổng cộng, hai người này đã làm giả 33 tài liệu các loại, thuê 16 người đóng giả chủ tài sản. Trong đó, ông Thuấn và bà Hương cùng làm 17 tài liệu. Riêng ông Thuấn làm giả 16 tài liệu, bà Hương làm giả 1 tài liệu.

Yêu cầu làm rõ vai trò của các công chứng viên và  “diễn viên”

Theo cáo trạng, đối với công chứng viên, trong quá trình các bên ký hợp đồng chuyển nhượng, công chứng tại nhiều thời điểm khác nhau, tại các địa điểm khác nhau nhưng lời khai của công chứng viên không thể hiện đầy đủ.

Tài liệu thu thập được thể hiện ông Thuấn và bà Hương làm giả CMND của bên chuyển nhượng để làm thủ tục công chứng. Khi công chứng, hai bị cáo đưa những người khác vào để giả mạo chữ ký, chữ viết của các chủ đất, công chứng viên đối chiếu dấu vân tay trên hợp đồng chuyển nhượng và CMND trùng khớp nên làm lời chứng cho các hợp đồng chuyển nhượng.

Cơ quan tố tụng xác định ông Thuấn và bà Hương không thỏa thuận, bàn bạc với công chứng viên nên không có căn cứ xác định các công chứng viên đồng phạm với các bị cáo.

Còn với những người được ông Thuấn, bà Hương nhờ đứng tên, công an xác định họ không bàn bạc, thỏa thuận với các bị cáo nên cũng không có căn cứ xử lý họ.

Với cán bộ ngân hàng, khi làm thủ tục thẩm định, ông Thuấn và bà Hương đưa các cán bộ thẩm định đến tài sản thế chấp và giới thiệu với các chủ nhà để thực hiện việc định giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của họ. Vì vậy, chủ nhà không biết các bị cáo làm giả hợp đồng để thế chấp nhà cho ngân hàng. Các báo cáo định giá tài sản đều có bản ảnh hiện trạng tài sản. Hai người này không bàn bạc, thỏa thuận với cán bộ ngân hàng nên xác định họ không đồng phạm và không vi phạm quy định cho vay.

Tại phiên tòa sáng ngày 8/11, đại diện Viện kiểm sát cho rằng cần phải triệu tập đại diện một số văn phòng công chứng, đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm của một số đơn vị khác.

Ý kiến của một số luật sư cho rằng cần triệu tập những người đứng tên trên sổ đỏ. Họ khai báo không được hưởng lợi nhưng vẫn cần làm rõ vai trò liên quan hoặc có dấu hiệu đồng phạm hay không.

Hội đồng xét xử cho biết do một luật sư vắng mặt và 2 bị hại cũng có đơn xin hoãn phiên tòa nên tòa án quyết định tạm hoãn phiên tòa, chưa ấn định ngày mở lại.

Khánh Vy

Khánh Vy

Published by
Khánh Vy

Recent Posts

Lợn giống chết ở Gia Lai: Lên phương án cấp lại cho các hộ nghèo, cận nghèo

Tại thời điểm thống kê, xác định dịch bệnh, 58/100 con lợn giống cấp trong…

37 phút ago

Sáu điều cần biết về bà Kristi Noem, ứng viên Bộ trưởng An ninh Nội địa của ông Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…

1 giờ ago

Ukraine nghiên cứu mảnh vỡ từ tên lửa đạn đạo mới của Nga

Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…

2 giờ ago

Islamabad bị phong tỏa trước cuộc biểu tình đòi trả tự do cho cựu Thủ tướng Khan

Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…

3 giờ ago

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra cam kết mới với Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…

3 giờ ago

VKS: Bà Trương Mỹ Lan nộp 280.000 tỷ đồng mới có cơ sở xem xét giảm án tử hình

Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…

3 giờ ago