Học thêm, thi cử, thiếu sách giáo khoa, hoang mang giữa hai cách phát âm, phải học nhiều nội dung vô nghĩa … là những gì các em học sinh lớp 1 đang trải qua trong thời đại “cải cách giáo dục.”
Em Đ.N.M (6 tuổi), con chị N.T.Q.A (Tây Hồ, Hà Nội) dù chưa từng một ngày đi học chính thức, nhưng đã nếm trải “cú trượt đầu đời” khi bị đánh trượt trong kỳ thi vào lớp 1 của một trường tư có tiếng ở Hà Nội.
Đây là điều đã không còn lạ với nhiều vị phụ huynh có con chuẩn bị đi học. Những kỳ kiểm tra đầu vào lớp 1 tại một số trường tư thục với tỷ lệ cạnh tranh như thi đại học đã diễn ra trong nhiều năm nay. Không ít phụ huynh đã bắt đầu tìm thầy cô giáo để dạy thêm cho con em mình từ khi các em mới 4, 5 tuổi – được gọi là các lớp “tiền tiểu học” – với mức phí không hề rẻ.
Sự chuẩn bị kỹ càng này đã khiến nhiều em “đọc thông viết thạo” trước khi vào lớp 1. Không chỉ có vậy, các em còn có thể làm trôi chảy nhiều phép toán phức tạp, nói tiếng Anh lưu loát, thể hiện khả năng hùng biện trước đám đông, đàn hay vẽ giỏi v.v, khiến áp lực càng gia tăng với gia đình những phụ huynh có con em không được “ưu tú” và “chuyên nghiệp” như thế nhưng có kỳ vọng con mình cũng được hưởng môi trường giáo dục tốt tại trường tư.
Không chỉ ở khu vực tư thục, tâm lý muốn con học trước để không bị bỡ ngỡ cũng rất phổ biến với phần đông phụ huynh ở trường công.
Lý giải về xu thế trên, nhiều người cho rằng hiện nay khối lượng kiến thức của lớp 1 khá nhiều, đòi hỏi học sinh thích ứng nhanh, tiếp thu nhanh, nếu không học trước thì sợ không theo kịp bạn bè, hình thành tâm lý tự ti, chán nản. Do đó, học thêm trước tuổi đã và đang trở thành xu thế chủ đạo của nhiều gia đình có con nhỏ chuẩn bị vào lớp 1.
Lẽ ra là lứa tuổi cần được vui chơi, khám phá thế giới xung quanh, học các kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất là học về đạo đức để phát triển một nhân cách tốt đẹp, thì nhiều em học sinh đã phải cấp tập đi “ôn thi” ở những lò luyện và bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức. Sự ganh đua và tranh chấp diễn ra từ thuở “còn bơ vơ” sẽ không chỉ “cướp” mất một phần tuổi thơ của các em mà còn dễ khiến các em hình thành nên tâm lý đố kỵ, hiếu thắng, trọng điểm số và thành tích.
Gần đây khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về cách đánh vần trong tài liệu “Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục”, Bộ GD-ĐT cho biết đây là chương trình đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quốc gia, là một cách tiếp cận mới về phương pháp dạy đánh vần, và đã được thí điểm ở gần 50 tỉnh thành, với hơn 800.000 học sinh theo học.
Hiện tại, chương trình phổ thông có 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, một bộ là “Tiếng Việt lớp 1” (gọi là bộ sách hiện hành), còn một bộ là “Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục” gồm 3 tập, của GS Hồ Ngọc Đại, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành.
Được biết, hiện Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành cải cách sách giáo khoa cho toàn bộ các cấp học, và bộ sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng đưa vào học đại trà năm 2019.
Như vậy, không chỉ học sinh lớp 1, mà học sinh cấp học phổ thông nói chung thường xuyên bị đưa ra “làm chuột bạch” trong công cuộc cải cách không ngừng nghỉ từ sách giáo khoa đến thi cử. Điều này đã gây lãng phí rất lớn cho ngân sách, nguồn lực, cũng như chi phí giáo dục cho mỗi học sinh.
Hiện tại, cải cách giáo dục Việt Nam đang chỉ dừng chân ở cải cách sách giáo khoa và thi cử, trong khi hiệu quả của việc cải cách này khó có thể đo lường và cũng không có ai phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, Việt Nam thiếu hẳn một chương trình cải cách tổng thể về triết lý giáo dục lẫn cơ chế thực hiện. Khi các chính sách được định hướng và can thiệp từ một nền chính trị “tập quyền” như hiện nay, việc loay hoay cải sửa tới lui sách giáo khoa, thi cử, chỉ là quơ quào trên phần nổi mà không động chạm được vào thực chất của vấn đề.
Trong khi phương pháp đánh vần cũ vẫn thực hiện được vai trò của nó như bao thế hệ người Việt đã từng học tập, việc sa vào tiểu tiết tranh luận đánh vần theo chương trình nào, bỏ kỳ thi này hay kỳ thi kia, giống như một bức màn che cho những yếu kém khác to lớn hơn được mặc sức thực thi.
Nhìn vào sách “Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục”, có thể thấy không thiếu những bài đọc, những câu chuyện vô nghĩa và thiếu tính giáo dục.
Ví dụ, câu chuyện kể về “Mụ phù thuỷ” có nội dung như sau:
“Có kẻ doạ Huy : mụ phù thuỷ dữ như quỷ sứ, cứ đi qua ngõ nhà Huy đó !
Huy cho chú chó ra dò thử. Chú chó nhỏ mà chả sợ gì. Chú ra quỳ ở ngõ chờ… Khi mụ phù thuỷ đi qua, chú chỉ gừ gừ mà mụ ta đã ngã quỵ, vì quá sợ.”
Chưa bàn đến cách dùng dấu hai chấm, dấu phẩy, dấu chấm cảm chưa đúng, mà chỉ xét về mặt ngữ nghĩa đã thấy câu từ được sử dụng không theo quy chuẩn văn viết, lối dùng từ tuỳ tiện (“dữ như quỷ sứ”, “chả sợ gì”, chó “quỳ”?), chủ đề vô nghĩa, thiếu nhân văn.
Còn ở bài đọc với tựa đề “Vẽ gì khó”:
“Hoạ sĩ Hoành vẽ ở đâu, các bạn nhỏ vây quanh ở đấy.
– Bác à, vẽ gì khó ạ?
– Vẽ chó, vẽ trâu khó
– Vẽ gì dễ ạ?
– Vẽ ma quỷ
– Sao lại thế ạ?
– Chó, trâu, quanh năm ngày tháng ai chẳng thấy, vẽ sai bị chê ngay. Ma quỷ đã ai thấy bao giờ, thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạnh hoẹ.”
Dù chỉ là bài dạy tập đọc cho các bé, nhưng nội dung ít nhất cần có tính giáo dục, ý nghĩa; còn với nội dung như trên thì sẽ giáo dục được gì cho các em ngoài lối nói cộc lốc, trống không cùng thói bao biện như “hoạ sĩ Hoành”?
Đó là chưa kể đến hàng loạt những câu ngắn 4 chữ được viết ở cuối trang để minh hoạ cho phần đánh vần, nhưng được đặt một cách tuỳ tiện, ví như “Đổ vỡ toé loe”, “Dĩ ân báo oán”, “San sát như bát”, “Lớ quớ bị ngã” v.v.
Trong sách, còn có rất nhiều từ mang tính địa phương được sử dụng, ví như “quả quéo” (quả xoài), “khuơ mũ” (huơ mũ), “chú ỉ” (con lợn), “gà qué” (con gà), “con ngoé” (con ếch)… cùng những cụm từ láy ít dùng như “chằn chặn”, “răn rắn”, “thườn thượt”, “mườn mượt”, “câng cấc”, “xấc lấc”, “tâng hẩng”, “quằm quặm”, “khuýp khuỳm khuỵp”…
Nhiều ý kiến đã băn khoăn rằng, liệu dạy những nội dung này cho học sinh lớp 1 liệu có phải đang nhồi nhét vào đầu các em quá nhiều thứ không cần thiết?
Có vị phụ huynh sau khi xem chương trình học và thời khoá biểu dày đặc của cậu con mới chập chững bước vào lớp 1 của mình đã thốt lên: học sinh thời nay quá khổ. Tuổi thơ hồn nhiên trong sáng và cần được vui chơi của các em dần bị những áp lực của người lớn, những buổi học thêm, những nội dung hàn lâm, và cả những toan tính lợi ích của người lớn lấp đầy.
Cái “được” lớn nhất của cuộc “cải cách giáo dục” này, có lẽ là việc lập ra các đề án cải cách và bán sách giáo khoa. Hàng trăm tỷ đã được chi để làm những công cuộc cải cách nhưng vẫn loanh quanh bế tắc. Sách giáo khoa được sửa đổi liên tục qua nhiều năm, sách của năm trước không dùng được cho năm sau, gây ra sự lãng phí khổng lồ cho xã hội, nhưng lại làm đầy cho túi tiền của những NXB được chỉ định độc quyền in ấn.
Điều cần thiết của việc cải cách này, đó là nhìn thẳng vào sự thật và dám vượt qua các rào cản để thay đổi. Dũng khí ấy và khả năng ấy chỉ có thể được tạo nên nếu nó thật sự xuất phát từ cái tâm muốn xây dựng một nền giáo dục nhân văn, sạch sẽ và trung thực của những người đứng đầu ngành.
Lê Xuân
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…