Hiện tượng El Nino, nắng nóng kéo dài ở miền Trung… được cho là nguyên nhân chủ yếu khiến số diện tích rừng biến mất trong 9 tháng qua tăng lên tới hơn 1.600ha, theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm.
Sáng 29/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9, do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì.
Theo tin công bố, trong 9 tháng đầu năm 2023, 1.641,79 ha rừng bị thiệt hại, tăng 83%; trong đó bị cháy 671,8 ha (gấp 27,4 lần) và bị chặt, phá 922,21 ha (tăng 7%).
Trước chất vấn của báo giới nguyên nhân có phải là do phá rừng – ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết do từ đầu năm 2023, thời tiết chịu nhiều ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, nắng nóng kéo dài ở Bắc-Trung Bộ, đặc biệt ở miền Trung, từ tháng 7-9 có gió phơn Tây Nam rất khô.
“Cùng với thời tiết khô hạn, gió phơn khô nóng, nên chỉ cần một tàn thuốc cũng gây cháy rừng. Vì vậy năm nay diện tích rừng bị thiệt hại tăng gần 700ha, hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do bị cháy rừng, còn tăng do phá rừng khoảng 7%”, ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, người dân khi xử lý thực bì, trồng rừng mới, ruộng vườn, nương. Năm ngoái mưa thuận gió hòa, giảm được thiệt hại và cháy rừng rất lớn. Nên năm nay, dù thiệt hại có tăng không nhiều, nhưng mẫu số nếu so sánh với năm ngoái là rất lớn. Thời điểm này cháy rừng đã trên 300 vụ, diện tích cháy chủ yếu rừng trồng, trong đó cây thông.
Tại cuộc họp báo, tỷ lệ che phủ rừng được công bố là “ổn định”, 42,02%. Cụ thể, theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021, diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.745.201 ha (rừng tự nhiên là 10.171.757 ha; rừng trồng là 4.573.444 ha). Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.923.108 ha.
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho hay tỷ lệ che phủ rừng giảm, đặc biệt là rừng nguyên sinh giảm sẽ gây ra những ảnh hưởng về thiên tai. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân các đợt thiên tai vừa qua có phải do rừng hay không thì vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ.
“Nếu tỷ lệ che phủ rừng giảm sẽ gây ra thiên tai cục bộ. Tuy nhiên, nếu nói những đợt thiên tai vừa qua xảy ra do tỷ lệ rừng giảm thì chúng tôi chưa thấy sự liên kết rõ ràng”, bà Ái nói.
Nói về chỉ tiêu phát triển rừng giảm 2,6% so với cùng kỳ, đại diện Cục Lâm nghiệp cho hay Việt Nam là nước tỷ lệ che phủ rừng cao trên thế giới.
“Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, chúng ta giữ ổn định mục tiêu che phủ rừng ở khoảng 42-43%, nên diện tích rừng sẽ không tăng được mạnh và càng về sau thì việc duy trì chủ yếu là trồng lại, chứ không có trồng mới trên đất trống”, ông Thiện nói.
Do các năm trước, việc trồng rừng đã đạt ở ngưỡng cao, nên nếu so sánh năm nay với khoảng 5-7 năm trước thì sẽ luôn luôn thấy [chỉ tiêu phát triển rừng] giảm đi, thấp hơn. “Nhưng tôi khẳng định chúng ta đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao” – đại diện Cục Lâm nghiệp khẳng định.
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…