Tại dự án ươm giống, cấp phát giống sâm dây cho người dân trong xã, thêm 2 giám đốc hợp tác xã bị bắt khi ký khống hợp đồng kinh tế, “rút ruột” dự toán ngân sách 564,5 triệu đồng.
Ngày 3/10, liên quan đến sai phạm tại Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông (Kon Tum), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam thêm 2 bị can: ông Nguyễn Đại Vinh – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông thương, kế toán Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông (giai đoạn năm 2020); và ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông thương (giai đoạn 2021 đến nay).
Cả hai bị khởi tố để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Bảy tháng trước, tháng 3/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Ngọc Vinh (SN 1980) – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ươm giống, cấp phát giống sâm dây cho người dân các xã Măng Cành, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông), ông Ngọc Vinh đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, tài liệu để thanh quyết toán. Ông Đại Vinh và ông Ngọc Anh đã ký khống các hợp đồng kinh tế, “rút ruột” ngân sách Nhà nước gây thiệt hại số tiền 564,5 triệu đồng.
Ngoài sai phạm liên quan đến dự án cấp phát giống sâm dây nói trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông từng bị cơ quan thanh tra tỉnh xác định có nhiều sai phạm trong dự án hỗ trợ giống heo cho hộ nghèo, khiến hàng trăm con heo chết không rõ nguyên nhân.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Kon Tum công bố hồi tháng 1/2022, trong năm 2020, huyện Kon Plông triển khai dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo địa tại 4 xã gồm: Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọk Tem và thị trấn Măng Đen với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông được giao nhiệm vụ cung ứng giống.
Dự án cấp 857 con giống cho 278 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó hỗ trợ 100% tiền con giống và một phần vật tư để làm chuồng trại, người dân chỉ việc mua thức ăn và chăm sóc.
Tuy nhiên, heo giống được giao cho người dân bắt đầu chết dần sau 1 tháng nuôi. Tại thời điểm thanh tra dự án, số heo chết lên đến 690/857 con (trên 80%), 37 con đã bán và làm thịt; số heo còn sống chỉ còn 145 con (khoảng 17%) (số heo chết sau đó lên tới hơn 800 con, theo báo Nông Nghiệp ngày 14/2/2022).
Về nguyên nhân heo chết, theo Thanh tra tỉnh Kon Tum, không xác định được nguồn gốc của giống heo cung cấp. Sau khi chủ đầu tư dự án (UBND các xã, thị trấn) ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông để cung cấp giống, Trung tâm này lại ký với 1 hộ dân khác để thu gom heo giống trôi nổi từ nhiều khu vực khác nhau, như: TP Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông, H’Drai…
Ngoài ra, heo được cấp cho các hộ dân không được tiêm phòng lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn theo yêu cầu của dự án.
Huyện Kon Plông là một trong 3 huyện nghèo tại tỉnh Kon Tum (hai huyện còn lại là huyện Tư Mơ Rông và Ia H’drai), trong danh sách 74 huyện nghèo toàn quốc tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo công bố của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cuối tháng 3/2022, huyện Kon Plông có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 55,99% (tỷ lệ hộ nghèo 44,40%; tỷ lệ hộ tỷ lệ 11,59%); thu nhập bình quân đầu người dưới 25 triệu đồng/người/năm (hai huyện còn lại có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lần lượt chiếm tới 60,19%; 60,56%). |
Bảo Khánh
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…