Trong báo cáo đến các ĐBQH trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết các thông tin tiêu cực đa số đến từ mạng xã hội nước ngoài. Ông cũng đưa ra các giải pháp để kiểm soát thông tin xấu.
Theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam có 363 trang mạng xã hội do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp và đã được Bộ cấp phép hoạt động. Các trang này về cơ bản đều tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, theo thống kê đến 30/9, hai trang mạng xã hội nước ngoài phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook có khoảng 53 triệu thành viên và YouTube có 35 triệu thành viên.
“Các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, nhưng gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn,” Bộ trưởng TT&TT cho biết. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng những thông tin tiêu cực chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người dân cho rằng họ có thể tự do phát ngôn trên môi trường ảo mà không phải chịu trách nhiệm.
Báo cáo của Bộ trưởng còn nêu: “Chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube,” do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển thực tế. Ngoài ra, công nghệ và phương án kỹ thuật để ngăn chặn các thông tin xấu còn hạn chế.
Về công tác quản lý của nhà nước, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết trong thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn các thông tin xấu, vi phạm pháp luật. Trong đó có việc tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, Bộ đang thúc đẩy việc phát triển các trang mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo. Về lâu dài mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sẽ phải cạnh tranh tương đương với các trang mạng xã hội của nước ngoài như YouTube, Facebook.
Hiện tại ở khu vực Châu Á, chỉ có một số ít nước xây dựng được mạng xã hội riêng thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật. Đặc biệt ở Trung Quốc khi Facebook, YouTube và Google đều bị khoá, thì việc sử dụng các sản phẩm trong nước là lựa chọn duy nhất. Đây cũng là cách để chính phủ Trung Quốc có thể dễ dàng kiểm soát người dân.
Tuấn Minh
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…