Categories: Thời sựViệt Nam

Khu tái định cư 149 tỷ đồng bị dân chê, lãnh đạo tỉnh Kon Tum nói gì?

Người dân phải di dời để nhường đất cho thuỷ điện, thế nhưng dự án tái định cư trị giá 149 tỷ đồng ở Kon Tum còn nhiều hạn chế như thiếu nước sinh hoạt, khu dân cư nằm trên đỉnh đồi lộng gió, sạt lở…

Nhiều hộ dân chưa dám về ở tại khu tái định cư bởi nỗi lo sạt lở. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Khu tái định cư chưa đảm bảo điều kiện cho người dân sinh sống

Truyền thông Nhà nước đưa tin chiều ngày 6/7, tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum, đại biểu Võ Thanh Chín – tổ đại biểu huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) nêu vấn đề về những bất cập tại dự án tái định cư ở xã Đăk H’Ring (nay là xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) trị giá 149 tỷ đồng.

Theo đại biểu Võ Thanh Chín, dự án đến nay không bảo đảm cho đời sống người dân, người dân không có đất sản xuất, còn hàng trăm hộ dân không đến ở.

Đại biểu Chín cũng đề nghị xác minh việc kinh phí để thực hiện dự án này không đạt mục tiêu thì số tiền còn lại đã đi đâu, sử dụng như thế nào và có thiếu hụt hay không, đến nay tỉ lệ của dự án đã đạt là bao nhiêu…

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Ngọc Sâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết đây là dự án tái định cư các hộ dân bị mất đất hoàn toàn do phải di dời để đầu tư thủy điện Plei Krông và số hộ dân không đủ đất sản xuất.

Dự án này được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt từ năm 2009, với tổng diện tích 690ha nhằm bảo đảm đời sống cho 300 hộ dân với trên 1.500 nhân khẩu, tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng.

Trong đó, đất dân cư là 110ha, đất sản xuất là 580ha. Các hộ nằm trong vùng dự án sẽ được cấp 800m2 đất ở và 20.000m2 đất nông nghiệp để đảm bảo đời sống. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xã hội cần thiết cũng được đầu tư để phục vụ cho người dân trong khu quy hoạch…

Tuy vậy, dự án này mới chỉ bố trí sắp xếp tại khu tái định cư cho 126/300 hộ và 674/1.500 nhân khẩu. Tại đây, các hộ này được giao bình quân 400m2 đất ở và 6.700m2 đất nông nghiệp, thấp hơn nhiều so với quy mô ban đầu của dự án. Trong khi đó, tổng số tiền đã được quyết toán là trên 135 tỷ đồng. Đến năm 2018, dự án đã kết thúc.

Khu tái định cư không hiệu quả vì… dân ở thấp hơn mục tiêu?

Nhà cửa đóng then cài, cỏ mọc um tùm tại khu tái định cư. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Ông Sâm cho rằng dự án chưa đạt hiệu quả do số hộ di dân lên khu tái định thấp hơn mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân là do quỹ đất sản xuất tại khu tái định cư cấp cho người dân chưa bằng 1/3 so với diện tích dự án được duyệt.

Việc bố trí thiếu đất ở, đất sản xuất là do chủ đầu tư làm chậm, không ưu tiên nên chỉ bồi thường, giải phóng mặt bằng được 126ha. Bên cạnh đó, dự án còn nhiều hạn chế như thiếu nước sinh hoạt, khu dân cư nằm trên đỉnh đồi lộng gió, sạt lở… Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo khắc phục các vấn đề này.

Ông Sâm cho biết UBND huyện Đăk Hà chịu trách nhiệm chính. Sở KH-ĐT và những cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trong việc tham mưu không được tốt để xảy ra những bất cập.

Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có trách nhiệm một phần khi đền bù, giải phóng mặt bằng mà không có trách nhiệm với người dân, đẩy hết trách nhiệm cho địa phương. Đối với một số hộ còn lại, thời gian tới, nếu giải quyết được quỹ đất thì địa phương tiếp tục vận động lên khu tái định cư.

Ý kiến người dân về khu tái định cư

Từ năm 2015-2018, các chính sách hỗ trợ cho người dân không thực hiện đầy đủ; trong đó 74 hộ dân chỉ được hỗ trợ nhà ở. Ngoài ra, 126 hộ dân thuộc diện di dời, tái định cư vẫn không được UBND huyện Đăk Hà và Ban quản lý dự án thực hiện đầy đủ một số chính sách hỗ trợ như hỗ trợ di chuyển (1 triệu đồng/hộ), khuyến nông (45,4 triệu đồng/hộ), hỗ trợ lương thực 900.000 đồng/người/12 tháng, với tổng số tiền chưa thực hiện gần 7 tỷ đồng (!?)

Cùng với đó, tại khu san nền có 16 hộ gia đình đã và đang xây dựng nhà ở trên đỉnh đồi, có nguy cơ bị sạt lở xuống vực sâu; 74 hộ dân (đợt 2) mới chỉ nhận tiền hỗ trợ 32 triệu đồng/hộ thay vì 40 triệu đồng/hộ như phê duyệt; các giếng nước được đào tại khu san nền không đảm bảo nước sinh hoạt vào mùa khô; đường giao thông dẫn vào khu sản xuất mặt đường nứt cục bộ và một số đoạn bị sạt lở…

Trao đổi với báo Kon Tum, chị Y Thiếp (trú làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà) có nhà ở khu tái định cư cho biết: “Nhà mình đã xây xong, nhưng gia đình chưa chuyển đến ở, vì sợ sạt lở và thiếu nước sinh hoạt. Sáng nào hai vợ chồng cũng phải đi xe máy hơn 20km từ làng cũ lên khu tái định cư để làm rẫy, chăm sóc cà phê, đến tối lại quay về.”

Còn anh A Bái (trú làng Kon Gung, xã Đăk Mar) mới chuyển cả gia đình đến khu tái định cư lại lo lắng về chuyện thiếu nước sinh hoạt: “Tại khu tái định cư này, cứ 2 hộ gia đình dùng chung một giếng nước. Mùa mưa mới đủ nước dùng chứ mùa khô thì thiếu nước trầm trọng. Đây là một trong những lý do mà người dân chưa muốn chuyển lên sinh sống ở khu tái định cư”.

Khánh Vy (t/h)

Khánh Vy

Published by
Khánh Vy

Recent Posts

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

15 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

21 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

32 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

36 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

36 phút ago

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

46 phút ago