Để giảm mức độ sử dụng rượu bia và các tác hại do rượu bia gây ra, cần có nhiều hơn nữa các biện pháp được thực hiện đồng bộ.
Từ 16/8, CSGT cả nước thực hiện kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm. Kế hoạch được thực hiện từ 16/8 đến 15/9/2016. Tại 4 thành phố lớn là: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và Cần Thơ, CSGT phối hợp cùng công an địa phương luân phiên lập chốt gần các nhà hàng, quán rượu bia vào khung giờ cao điểm là 11h-14h và 16h-21h để xử phạt người vi phạm theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Trong các trường hợp vi phạm được ghi nhận, Công an TP. Hà Nội đã xử phạt một tài xế 17 triệu đồng, tạm giữ ô tô 7 ngày và tước bằng lái 5 tháng do kết quả đo nồng độ cồn của tài xế là 0,622 miligam/lít khí thở.
Theo Nghị định 46, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng từ 10-15 triệu đồng (Nghị định 171) lên mức 16-18 triệu đồng.
Đồng tình với mức xử phạt trên, nhiều ý kiến cho rằng đây là biện pháp nghiêm khắc giúp giảm tình trạng lạm dụng rượu bia và sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng mức phạt trên là quá cao trong điều kiện mức thu nhập bình quân của người dân còn thấp, và cơ quan chức năng cần thực hiện phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp khác.
Để phòng chống vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn, nhiều quốc gia quy định những chế tài rất nghiêm khắc như: người lái xe say xỉn sẽ bị phạt rất nặng, tịch thu bằng lái xe, bắt thi lại; nếu tái phạm sẽ bị cấm vĩnh viễn không được lái xe hoặc người say xỉn có thể bị mất việc làm, phải đối mặt với các vấn đề trong quan hệ gia đình, hay gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế,…
Theo khuyến cáo của WHO, để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra, chính sách thuế và giá là một trong các biện pháp hiệu quả nhất.
Nghiên cứu về Hiệu quả sự can thiệp của chính sách thuế trong việc giảm tiêu thụ rượu bia quá mức và các tổn hại liên quan (Elder et al, 2010) cho thấy, mức giá hoặc thuế cao có liên quan với tỷ lệ sử dụng rượu bia thấp ở người trẻ tuổi. Cụ thể, khi tăng giá 10% sẽ làm giảm 2,9% tỷ lệ uống rượu chung ở học sinh cấp 3; 5,3% sử dụng rượu bia ở mức quá độ ở nhóm người 16 – 21 tuổi; giảm 9,5% tỷ lệ uống say ở nữ giới và 35,4% tỷ lệ uống say ở nam giới. Nghiên cứu cũng cho thấy, thuế và giá càng cao, tình trạng tai nạn và tử vong do tai nạn giao thông càng thấp và ngược lại.
Theo GoEURO Beer Price Index 2016 (tính đến thời điểm hiện tại), một lon bia 330 ml tại thủ đô Lausanne (Thụy Sĩ) có giá đắt đỏ nhất trong bảng xếp hạng 70 thành phố từ nhiều nước trên thế giới với giá trung bình là 9,51 USD (tại siêu thị có giá 1,42 USD và tại bar có giá 17,6 USD). Hồng Kông xếp thứ 2 với 6,22 USD, Singapore xếp thứ 3: 5,75 USD; giá bia tại Tokyo xếp thứ 6 với 5,48 USD.
Trong khi đó, thành phố Bratislava (Slovakia) có giá bia trung bình thấp nhất trong bảng xếp hạng là 1,65 USD.
Trước đó, trong Beer Price Index 2015, TP.HCM và Bangkok nằm trong top 10 thành phố có giá bia rẻ nhất (TP.HCM 1,78 USD; Bangkok 2,11 USD).
Theo Báo cáo của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam 2014, sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á (mặc dù thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á) và đứng thứ ba châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Mức tiêu thụ bia trong năm 2014 và 2015 lần lượt là 3,14 và 3,4 tỷ lít. |
Tại Việt Nam, từ ngày 1/1/2016, bia là một trong những mặt hàng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, từ ngày 1/1 đến 31/12/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt bia sẽ tăng dần lên mức 55%; năm 2017 tăng lên mức 60% và từ ngày 1/1/2018 sẽ tăng lên mức 65%.
Tuy nhiên, mặc dù thuế đã tăng, lợi nhuận giảm nhưng theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất bia của Việt Nam vẫn tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015 – hơn 1,3 tỷ lít. Trong đó, riêng tháng 5/2016, sản lượng bia đạt khoảng 308,8 triệu lít.
Chính sách kiểm soát giờ bán, ngày bán và địa điểm bán hàng cũng là các biện pháp được chứng minh có hiệu quả trong kiểm soát tiêu thụ rượu bia. Hiện nay, hơn 160 quốc gia trên thế giới đã có các quy định để kiểm soát rượu bia, bao gồm quy định về điểm bán uống tại chỗ, điểm bán mua mang đi, ngày được bán tùy thuộc vào loại đồ uống. Trên 50% số quốc gia có quy định về giờ mở cửa.
Tại Singapore, luật kiểm soát đồ uống có cồn được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2015 và chính thức có hiệu lực từ 1/4/2015. Theo nội dung quy định, việc uống rượu bia ở nơi công cộng bị cấm từ 22h30 đến 07h sáng ngày hôm sau. Các cửa hàng bán lẻ cũng không được bán bia rượu cho khách hàng mang đi trong thời gian từ 22h30 đến 07h sáng.
Geylang và Little India (Singapore) là những nơi có tỷ lệ gây rối trật tự công cộng cao liên quan đến việc uống rượu bia quá mức, được chỉ định là các khu vực hạn chế đồ uống có cồn. Tại đây, việc sử dụng thức uống này còn được quy định nghiêm ngặt hơn. Uống rượu bia ở nơi công cộng bị cấm từ 07h sáng ngày thứ 7 đến 07h sáng thứ 2 tuần kế tiếp và từ 19h tới 07h sáng hôm sau vào ngày lễ. Các cửa hàng nằm trong khu vực cũng không được bán cho khách hàng mang đi từ 19h đến sáng hôm sau vào các ngày cuối tuần, ngày lễ tết và buổi tối trước ngày nghỉ lễ.
Những người uống rượu bia tại nơi công cộng vi phạm quy định lần đầu tiên có thể chịu mức phạt là 1.000 SGD (800 USD), nếu tái phạm có thể bị phạt tới 2.000 SGD hoặc bị bỏ tù 3 tháng hoặc cùng chịu cả 2 hình thức phạt tiền và bị bỏ tù. Một cửa hàng bán rượu bia sau giờ quy định có thể bị phạt tới 10.000 SGD.
Tại Thái Lan, việc sử dụng bia rượu được xác định là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông và những hành động bạo lực quá khích. Để giảm thiểu tác hại của bia rượu đối với các vấn đề xã hội, sức khỏe của người dân, quốc gia này có quy định những “Ngày không bia rượu”. Trong những ngày lễ lớn của Phật giáo hay ngày bầu cử, bia rượu bị cấm bán tuyệt đối, kể cả tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, các địa điểm giải trí. Người vi phạm sẽ chịu mức phạt 10.000 baht hoặc 6 tháng tù giam hoặc cả 2.
Việc kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu bia cũng là biện pháp mang lại hiệu quả cao.
Nghiên cứu về quảng cáo và tiêu thụ đồ uống có cồn ở nhóm thanh niên của Henry Saffer và Dhaval Dave (Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ – NBER) năm 2003 cho thấy, một lệnh cấm toàn bộ quảng cáo bia và rượu trên 5 kênh truyền thông ở Mỹ gồm kênh thể thao tivi, kênh radio thể thao, quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo và tạp chí, sẽ giảm 24% tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng bia hàng tháng và giảm đến 42% tỷ lệ thanh thiếu niên say rượu bia hàng tháng.
Cũng theo một nghiên cứu khác của Henry Saffer, những quốc gia cấm quảng cáo rượu mạnh trên truyền hình và đài phát thanh có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia thấp hơn 16% và tỷ lệ tử vong do TNGT thấp hơn 10% so với quốc gia không cấm; tiếp đó, so với quốc gia chỉ cấm quảng cáo rượu mạnh thì những quốc gia cấm quảng cáo bia và rượu trên truyền hình – phát thanh có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do TNGT thấp hơn 23% (nghiên cứu phân tích dữ liệu của 17 quốc gia qua 13 năm).
Theo Báo cáo toàn cầu về rượu bia và sức khỏe của WHO năm 2014, trong 166 quốc gia báo cáo về việc kiểm soát quảng cáo bia, có 10% các quốc gia có chính sách cấm quảng cáo trên toàn bộ các phương tiện truyền thông; 39,6% các quốc gia không có quy định cấm; còn lại là có quy định cấm một phần hoặc toàn bộ.
Hải Linh
Xem thêm
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…