Lâm Đồng tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. (Ảnh: baolamdong.vn)
Toàn bộ 240 con heo tại trang trại của gia đình ông N.V.T. ở xã Bảo Lâm 1, Lâm Đồng, bị tiêu hủy sau khi xác nhận nhiễm dịch tả heo châu Phi, nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Ngày 27/7, UBND xã Bảo Lâm 1, tỉnh Lâm Đồng, phối hợp với Trạm Kỹ thuật Nông nghiệp khu vực Bảo Lộc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan tiến hành tiêu hủy toàn bộ 240 con heo tại trang trại của gia đình ông N.V.T., ở thôn 5, xã Bảo Lâm 1, sau khi xác nhận nhiễm dịch tả heo châu Phi.
Trước đó, ngày 24/7, gia đình ông N.V.T. báo cáo 31 trong số 240 con heo (gồm 10 heo nái, 80 heo thịt, 150 heo con) chết bất thường với các triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, lờ đờ và khó thở. Tổng trọng lượng 31 con heo chết là 411 kg.
Mẫu bệnh phẩm được gửi đến Trung tâm Chẩn đoán và Xét nghiệm Thú y Trung ương II (tỉnh Đắk Lắk) và xác nhận dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.
Quá trình tiêu hủy được thực hiện tại hố sâu đào trong khu vực trang trại, đảm bảo tuân thủ quy định phòng chống dịch. Trước, trong và sau khi tiêu hủy, khu vực trang trại, chuồng trại và các khu vực lân cận được phun xịt tiêu độc, khử trùng, rải vôi bột để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Để kiểm soát dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lâm Đồng cung cấp hơn 1.000 liều vắc-xin tam liên (phòng dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng) và thuốc sát trùng. UBND xã Bảo Lâm 1 tổ chức tiêm phòng cho đàn heo trong vùng đệm và phun xịt khử trùng trên toàn xã.
Chính quyền cũng thống kê trọng lượng đàn heo bị tiêu hủy để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho gia đình ông N.V.T.
Ông Trịnh Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm 1, cho biết xã hiện có hơn 10.000 con heo, chủ yếu được nuôi theo mô hình gia đình nhỏ và vừa.
Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao nếu không kiểm soát chặt chẽ. Chính quyền khuyến cáo người chăn nuôi tuân thủ nguyên tắc: không giấu dịch, không bán tháo heo chết, không vứt xác heo bừa bãi, không tự ý giết mổ heo chết. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý.
Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, trong tháng 6 và 7/2025, dịch tả heo châu Phi gia tăng tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, TP. Hà Nội, và khu vực duyên hải miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Trị. Hiện còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Các ổ dịch chủ yếu tái phát tại các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, với quy mô trung bình từ 50 đến 60 con heo, nơi điều kiện an toàn sinh học còn hạn chế. Dù Việt Nam đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng vắc-xin phòng dịch tả heo châu Phi cho heo thịt, nhiều người chăn nuôi vẫn chưa tiêm phòng do chủ quan.
Một số hộ chăn nuôi không khai báo dịch, bán tháo heo bệnh hoặc vứt xác heo ra môi trường, đặc biệt trong mùa mưa bão. Điều này khiến virus lây lan qua nguồn nước, gây ô nhiễm và làm dịch bệnh lan rộng.
Ngoài ra, hoạt động giết mổ động vật còn nhiều bất cập. Một số cơ sở thu gom và giết mổ heo nghi nhiễm bệnh, vi phạm quy định về thú y. Lực lượng thú y tại các xã còn thiếu, gây khó khăn trong việc giám sát và kiểm soát dịch.
Riêng tại TP. Hà Nội, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 900 tấn thịt heo, gà, trâu, bò. Trong đó, khoảng 650 tấn do TP. Hà Nội tự cung ứng, nhưng chỉ 60% được kiểm soát giết mổ, còn 40% chưa được kiểm soát. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn phục vụ các điểm kinh doanh ăn uống, một số nơi vì giá rẻ mà mua bán heo bệnh hoặc heo chết.
Một đạo luật mới được đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ nhằm chấm dứt…
Dam Duy Khang, thực tập sinh Việt Nam, bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ…
Ông Geoffrey Hinton, đã kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới hợp tác…
Mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi ở Trung Quốc, một cửa hàng vàng ở…
Lindsey Graham: Không cách nào đàm phán với Hamas để kết thúc chiến tranh theo…
Những người cần cù miệt mài trên đồng ruộng, mồ hôi nhễ nhại, sáng sớm…