UBND TP.HCM đã yêu cầu xem xét, làm rõ trách nhiệm bồi thường của Công ty TNHH Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) liên quan đến vụ rò rỉ khí amoniac ngày 10/10.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Công thương yêu cầu Sở lập đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ hoạt động tại trạm chiết khí amoniac (NH3) thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) – nơi xảy ra sự cố rò rỉ khí độc vào sáng ngày 10/10, khiến 4 người nhập viện, nhiều gia súc, gia cầm của người dân bị chết .
Theo đó, UBND huyện Bình Chánh được giao giám sát việc ngưng hoạt động của trạm chiết nạp trên khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. UBND TP yêu cầu phối hợp với các ngành chức năng phân tích, đánh giá, so sánh nồng độ khí còn tồn dư tại khu vực so với tiêu chuẩn cho phép để có biện pháp khắc phục, tổ chức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố, đồng thời đánh giá giá trị thiệt hại về tài sản để xem xét trách nhiệm bồi thường theo quy định.
Đại diện chính quyền huyện Bình Chánh cho biết cũng đã giao Phòng lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với liên đoàn lao động quận 3 kiểm tra hồ sơ pháp lý, các chế độ bảo đảm cho người lao động, thống kê thiệt hại của người dân để Công ty Vĩnh Lộc bồi thường.
Theo ghi nhận tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, sang ngày thứ 3 kể từ thời điểm nổ dẫn đến rò rỉ hơn 1 tấn khí amoniac (NH3) ra môi trường, cây cối vẫn phủ một màu đen héo úa, chết đứng. Nặng nhất trong phạm vi khoảng 100 m xung quanh khu vực phát nổ.
Trong khu dân cư, khu vực chuồng trại của người dân hoàn toàn trống trải. Một vài vật nuôi sống sót trong tình trạng suy yếu.
Trước đó, sáng ngày 10/10, người dân trên đường An Phú Tây (huyện Bình Chánh) phát hiện có tiếng nổ lớn, sau đó khói trắng có mùi hôi nồng nặc phát ra từ trạm chiết amoniac (NH3) của Công ty TNHH Vĩnh Lộc (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh).
Sự cố khiến nhiều người hoảng sợ bỏ chạy, bị chảy máu miệng, ngạt thở, ngất xỉu, động vật như chó, mèo, heo, gà… của người dân chết la liệt, cây cối héo úa, rụng lá; 1.040 học sinh, giáo viên của trường tiểu học An Phú Tây 2 (cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 500 m) phải sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn.
Tổng cộng 4 người bị thương, phải nhập viện cấp cứu, gồm: 1 tài xế lái xe bồn, 2 công nhân và 1 người dân. Cả 4 người sau khi cấp cứu đã qua cơn nguy hiểm, đang tiếp tục được điều trị.
Theo đại diện Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh, trạm sang chiết của công ty Vĩnh Lộc có 1 nhà xưởng chứa 3 bồn khí với hàng chục tấn khí hóa lỏng. Ước tính, sự cố xảy ra trong khoảng 20 phút, lượng khí NH3 thoát ra khoảng hơn 1 tấn.
Tại buổi họp báo chiều ngày 11/10, ông Trần Thế Lữ – Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết theo kết quả quan trắc vào sáng ngày 11/10, nồng độ khí NH3 đã giảm đáng kể nên chính quyền địa phương thông báo tin người dân trở về nhà để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân chưa nên trở về nhà do nồng độ khí NH3 vẫn còn cao trong các phòng kín.
Đối với các nạn nhân, chính quyền huyện Bình Chánh hỗ trợ 14 triệu đồng cho mỗi bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương; 6 triệu đồng cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Quốc Anh; 26 triệu đồng cho 1 bệnh nhân đang điều trị đặc biệt. Phía công ty cũng hỗ trợ 15 triệu đồng với 3 nạn nhân điều trị tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đồng thời, thống kê thiệt hại của người dân xung quanh để định giá bồi thường.
Riêng trạm sang chiết tại xã An Phú Tây của công ty TNHH Vĩnh Lộc sau khi gây ra sự cố, lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng hoạt động.
Nói về các cơ sở hoạt động ngành nghề có điều kiện, hóa chất nguy hiểm, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết chính quyền đã có kế hoạch di dời theo sự rà soát theo chủ trương của TP, tuy nhiên, việc di dời cũng cần có thời gian.
Người dân bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thườngĐiểm c, Khoản 1, Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu “Bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động”. Điểm a, Khoản 3, Điều 164 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình”. Điều 589, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định. Khoản 1, Điều 590, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
Điều 602, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”. Việc bồi thường thiệt hại cũng được hướng dẫn cụ thể tại Mục II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. |
Trần Tâm
Xem thêm:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…