Đối với 17 ha rừng chuyển đổi để làm đường, chủ đầu tư phải tìm địa điểm mới để trồng bù, nếu không tìm được phải thanh toán bằng tiền.
17ha là con số diện tích rừng sẽ bị mất khi tiến hành làm đường theo dự án do chủ đầu tư đưa ra tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Đồng Nai với các sở, ngành và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận (IDICO), diễn ra vào chiều 15/2.
Diện tích rừng nói trên thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, thuộc địa bàn xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Dự án đường ven hồ Trị An có chiều dài hơn 27km, nền đường khoảng 9m, gồm 6m mặt đường và lề đường mỗi bên 1,5m. Tổng vốn đầu tư hơn 166 tỷ đồng.
Tuyến đường ven hồ Trị An được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). Nhà đầu tư sẽ sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn huy động để thi công tuyến đường, sau đó tỉnh cho nhà đầu tư khai thác quỹ đất gần khu vực trên để bù số tiền đã bỏ ra làm đường. Giai đoạn 1, tỉnh sẽ giao đất khu vực đảo Ó (diện tích 2,1 ha), đảo Đồng Trường (diện tích 25 ha) trên lòng hồ Trị An và một khu nhà hàng tại thị trấn Vĩnh An.
Từ tháng 2 đến tháng 5/2017, tỉnh sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công và ký kết hợp đồng dự án. Dự kiến giữa năm 2018 sẽ hoàn thành tuyến đường.
Chủ đầu tư dự án IDICO cho biết để khai thác hết tiềm năng của các đảo trên hồ Trị An, nhất là đảo Ó và đảo Đồng Trường, thì việc đầu tư quy mô để thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như tăng ngân sách nhà nước để phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực huyện Vĩnh Cửu nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung là điều cần thiết.
Trong buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu nhà đầu tư nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để thi công tuyến đường. Đối với việc chuyển đổi 17 ha rừng để làm đường, lãnh đạo tỉnh nhắc chủ đầu tư cần chú ý tìm nơi trồng rừng khác để bù lại, nếu không tìm được phải tính toán trả bằng tiền.
Đề án tuyến đường ven hồ Trị An được đề xuất từ nhiều năm nhưng từ năm 2015 mới xúc tiến liên tục để triển khai.
Tuyến đường dự kiến sẽ kết nối cửa rừng đến các đảo du lịch trên hồ Trị An và tạo một hướng đi khác cho người dân xã Phú Lý – một xã biệt lập của huyện Vĩnh Cửu nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn.
Theo đó, đề án “xẻ” rừng đặc dụng để làm đường được dự kiến với các mục đích phát triển du lịch khu vực hồ Trị An, đồng thời phục vụ dân sinh và phòng chống phá rừng.
Tuy nhiên, dự án này được cảnh báo sẽ làm biến mất nhiều hecta rừng đặc dụng. Năm 2015, theo đánh giá sơ bộ từ chủ đầu tư IDICO, dự án ít nhất ảnh hưởng đến khoảng 20ha rừng tự nhiên và khoảng 14ha rừng trồng, chưa kể những tác động sinh thái trong quá trình thi công.
Trước đó, từ những năm đầu khi khu bảo tồn mới thành lập (những năm 2000), đường 761 (một con đường lớn rải nhựa, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng) đã được xây dựng, đi xuyên qua khu bảo tồn từ phía bìa rừng đến vùng lõi thuộc xã Phú Lý. Con đường được đánh giá vi phạm “tiêu chí cơ bản trong việc giữ rừng” với nguyên tắc không làm đường xuyên rừng vì ảnh hưởng đến việc bảo tồn rừng và chống lâm tặc.
Với việc xây dựng tuyến đường mới, đường 761 hiện hữu sẽ là đường nội bộ, tuần tra bảo vệ rừng.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, hồi năm 2015, ông Đặng Hồng Tăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Tuyến đường 761 đi xuyên qua khu bảo tồn về lâu dài sẽ tác động xấu đến việc phát triển bền vững của khu bảo tồn. Do vậy, việc xây dựng tuyến đường mới để thay thế đường 761 là cần thiết. Hơn nữa việc xây dựng tuyến đường mới còn góp phần ổn định đời sống cho hơn 700 hộ dân tại khu bảo tồn“.
Còn Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai – ông Trần Văn Mùi cho hay dự án xây đường ven hồ Trị An do khu bảo tồn đề xuất. “Diện tích rừng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do khu vực đường đi qua chủ yếu là cây thưa thớt, đã có sẵn đường mòn”, ông này nói.
Khu Bảo tồn thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai (được đổi tên từ Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu từ tháng 8/2010) được thành lập theo Quyết định số 09/2006/QĐ-UBND ngày 20/2/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai. Khu bảo tồn được thành lập với mục tiêu là chuyển đổi diện tích rừng sản xuất thành rừng đặc dụng, nhằm khôi phục lại sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng cây tự nhiên họ Dầu thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Phía đông khu bảo tồn giáp với Vườn quốc gia Cát Tiên và hồ Trị An, phía bắc và phía tây giáp với tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương, phía nam là vùng lòng hồ nhà máy thủy điện Trị An và sông Đồng Nai. Theo đó, diện tích quy hoạch của khu bảo tồn (100.303 ha) tạo ra phạm vi bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nối liền với Vườn quốc gia Cát Tiên, bảo tồn nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã, mở rộng vùng địa lí sinh thái đặc thù của miền Đông Nam bộ. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…