Việt Nam

Một công ty đề xuất làm đường sắt vượt biển ở TP.HCM

Tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Cần Giờ được đề xuất kéo dài vượt biển nối Vũng Tàu, trong khi thành phố chuẩn bị hơn 2.100 tỷ đồng bồi thường cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

(Ảnh: GenAI, Trí Thức VN)

Ngày 9/7, Công ty Tư vấn Quốc tế enCity và Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cho biết về các kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, bao gồm đề xuất tuyến đường sắt vượt biển nối TP.HCM – Cần Giờ – Vũng Tàu và công tác chuẩn bị cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Tuyến đường sắt từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ, dài khoảng 48,7 km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7 cũ) và kết thúc tại khu đất 39 ha giáp Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Tuyến này được Tập đoàn Vingroup nghiên cứu đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD (khoảng 92.000 tỷ đồng), thiết kế hoàn toàn trên cao, sử dụng đường đôi khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ tối đa 250 km/h.

Khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Phú Mỹ Hưng đến Cần Giờ chỉ còn khoảng 16 phút, với năng lực vận chuyển 30.000 – 40.000 hành khách mỗi giờ mỗi hướng. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2026.

Để mở rộng kết nối, Công ty Tư vấn Quốc tế enCity đề xuất kéo dài tuyến đường sắt này vượt biển đến Vũng Tàu (thuộc TP.HCM sau sáp nhập với Bà Rịa – Vũng Tàu cũ).

Công trình vượt biển kết hợp cầu và hầm được thiết kế tích hợp cả đường sắt và đường bộ, cho phép sử dụng chung hạ tầng để tối ưu chi phí đầu tư và hiệu quả khai thác.

Theo phương án, vị trí hầm vượt biển nằm tại khu vực có luồng tàu qua lại, tránh xây cầu với tĩnh không quá lớn. Ý tưởng này từng được đề xuất từ năm 2017 với cầu dài 17 km hoặc hầm dài 25 km, khoảng cách đường chim bay từ Cần Giờ đến Vũng Tàu khoảng 7 km.

Ông Nguyễn Đình Nên, chuyên gia cao cấp về quy hoạch giao thông tại enCity, cho biết nhu cầu đi lại giữa Cần Giờ và Vũng Tàu dự báo đạt gần 100.000 lượt khách mỗi ngày vào năm 2035, nhờ sự phát triển của Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (2.870 ha, dân số 228.000 người), cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (571 ha, tạo 6.000 – 8.000 việc làm), và cảng Cái Mép – Thị Vải (dự báo đạt 52,3 triệu TEU vào năm 2050). Hiện tại, tuyến phà Cần Giờ – Vũng Tàu, khai thác từ năm 2021, phục vụ 8.400 lượt khách mỗi ngày với 24 chuyến. Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng, việc bổ sung tuyến đường sắt và đường bộ trở nên cần thiết.

Ngoài ra, TP.HCM cũng quy hoạch tuyến đường ven biển dài 56 km, từ Gò Công Đông (Tiền Giang cũ) qua Cần Giờ đến Đồng Nai và Vũng Tàu, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 45,5 km, đoạn qua Đồng Nai 10,5 km.

Một phương án đáng chú ý là xây dựng nhánh kết nối qua cầu vượt biển Cần Giờ – Vũng Tàu, giúp rút ngắn khoảng 40 km so với quy hoạch ban đầu, nhưng chi phí đầu tư ước tính khoảng 62.000 tỷ đồng.

Song song đó, TP.HCM đang chuẩn bị cho đoạn đường sắt cao tốc Bắc – Nam đi qua thành phố, dài khoảng 17 km, với hai điểm chính là ga Thủ Thiêm (rộng hơn 17 ha) và Depot Long Trường (hơn 60 ha). Tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 2.100 tỷ đồng.

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, cho biết thành phố đã giao các đơn vị rà soát, lập kế hoạch chuẩn bị mặt bằng, nhưng vẫn chờ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) bàn giao ranh mốc cụ thể để kiểm đếm và chi trả bồi thường.

Thành phố cũng nghiên cứu mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) tại ga Thủ Thiêm và Depot Long Trường.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541 km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67 tỷ USD), sử dụng khổ ray đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h. Dự án cần khoảng 10.800 ha đất, tái định cư cho hơn 120.000 người, dự kiến hoàn thành vào năm 2035.

TP.HCM cũng đang đẩy mạnh giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng khác, bao gồm mở rộng Quốc lộ 1 (hơn 9.600 tỷ đồng), Quốc lộ 22 (hơn 6.200 tỷ đồng), trục Bắc – Nam và cầu, đường Bình Tiên (gần 7.000 tỷ đồng), và Vành đai 4 (hơn 8.200 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 6/2025, thành phố đã giải ngân gần 82% vốn bồi thường được giao, vượt kế hoạch đề ra.

Ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá công trình vượt biển Cần Giờ là một ý tưởng táo bạo, có thể trở thành động lực phát triển khu đô thị mới Cần Giờ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời điểm triển khai, nguồn lực thực hiện và bối cảnh kinh tế – xã hội.

Kim Long

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Liệu mơ mộng có thực sự tốt cho não bộ?

Khi chúng ta đang trong trạng thái mơ màng, não bộ khi đó thực sự…

5 giờ ago

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị bắt vì sai phạm cấp phép khai thác khoáng sản

Ông Lê Đức Giang cùng ba cán bộ khác bị khởi tố, bắt tạm giam…

6 giờ ago

Thấy chiếc xe trôi tự do, người thợ điện lạnh nhanh trí cạy cửa, kịp cứu tài xế nghi bị đột quỵ

Nghe tiếng hô hoán của hàng xóm, nhìn ra thấy chiếc ô tô con trôi…

6 giờ ago

Bitcoin thiết lập kỷ lục 112 ngàn USD, nhờ đợt tăng mạnh cổ phiếu công nghệ

Bitcoin đã thiết lập kỷ lục mới trong ngày 10/07 khi đợt tăng mạnh các…

6 giờ ago

Căng thẳng Hoa Kỳ – Brazil leo thang, Tổng thống Brazil tuyên bố đáp trả tương xứng thuế 50% của Hoa Kỳ

Ngày 9/7, cả Brazil đảo lộn bởi bức thư thông báo mức thuế "có đi…

7 giờ ago

Ông Trump thay đổi giọng điệu đối với ông Putin và ông Zelensky

Tổng thống Trump đã thay đổi giọng điệu khi đề cập đến lãnh đạo Nga…

7 giờ ago