Theo dự thảo Luật Dân số, các tỉnh, thành có mức sinh thấp nên hỗ trợ tiền cho phụ nữ khi sinh con thứ 2, miễn giảm học phí cho trẻ mầm non và tiểu học…
Ngày 10/11, tại Hội thảo Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp được tổ chức ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay Việt Nam đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.
Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực.
Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế tham mưu xây dựng, trong đó đề xuất khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh, thành có mức sinh thấp, hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai do trong quá trình mang thai cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe.
Cùng đó, dự thảo đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tỉnh, thành có mức sinh thấp rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít mà khuyến khích, tạo điều kiện sinh đủ hai con.
Bà Hương nhìn nhận tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam đã được khống chế, đạt mức sinh thay thế suốt 15 năm qua, tức là trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam sinh khoảng 2,1 con. Song, Việt Nam đang đối mặt tình trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở gần nhất, mức sinh của hầu hết vùng kinh tế – xã hội đều giảm, riêng vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long “giảm rất sâu”. Hiện mỗi phụ nữ tuổi sinh đẻ ở vùng Đông Nam bộ chỉ sinh 1,56 con, vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con.
Hiện 33 tỉnh, thành có mức sinh cao (trên 2,2 con). 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp (dưới hai con). Một số nơi mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. TP.HCM có mức sinh thấp nhất nước, chỉ 1,24 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ. Trong khi đó, các vùng còn lại, mức sinh giảm nhưng vẫn còn cao. Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc, trung bình một phụ nữ sinh trên 2,4 con.
Nếu mức sinh dưới 1,3 con ở một phụ nữ thì hầu như địa phương không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng những chính sách can thiệp mức sinh buộc phải khác biệt cho các vùng, miền, địa phương, không thể “cào bằng”. Mức sinh thấp để lại hệ lụy lâu dài, chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn. Lượng người lao động, công nhân ít hơn cũng làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng, từ đó khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm đi.
GS.TS Nguyễn Đình Cử – nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng phải có giải pháp để “kích sinh” ngay từ bây giờ, đồng thời, sớm sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, cũng như bãi bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3.
Trên thực tế, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn. Tại Hàn Quốc, sau khi phá kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, nước này đã tăng gấp 3 lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Ở Hungary, Thủ tướng nước này tuyên bố sinh 4 con trở lên sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời… |
Nhiều người dân đã để lại ý kiến bên dưới các bài báo về việc giảm sinh. Một người có tên Congdanxyz viết: “Vì cơm áo, gạo tiền, vì chi phí học hành, chi phí y tế….thu nhập thì thấp nên dân số giảm là đương nhiên. Muốn ổn định Dân số, tỷ lệ sinh phải ổn định gia đình đủ 2 con thì cần có chính sách hỗ trợ Y tế, giáo dục miễn phí 100% không có chuyện thuốc ngoài danh mục, học thêm, đủ loại phí phụ thu trong giáo dục…Khi đó, người dân yên tâm làm để đóng thuế, ăn uống, mua sắm, chi tiêu thoải mái không phải lo nghĩ nhiều thì dân số không giảm.”
Bạn Phạm Xuân Phụng viết: “Những vợ chồng trẻ có việc làm ở công sở thì sợ bị kỷ luật khi sinh con thứ 3, còn ở doanh nghiệp tư nhân thì sợ mất việc làm. Mà đa phần họ có điều kiện nuôi dạy con tốt chứ không nuôi theo kiểu trời sinh voi ắt sinh cỏ. Vấn đề chất lượng sức khỏe và phát triển trí tuệ ở các thế hệ sau rất đáng lưu tâm!”
Độc giả tiến đặng để lại bình luận: “Muốn kích cầu sinh con, nhưng mọi thứ dành cho học sinh lại tăng chóng mặt, học phí cực cao, sách giáo khoa hàng năm đều phải cải cách và mua mới, đi học thì hàng trăm thứ chi phí cho nhà trường?Thử hỏi ai dám sinh con?”
Khánh Vy
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…