Một bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh đang được điều trị tại TP.HCM, tháng 4/2023. (Ảnh minh họa: Godongphoto/Shutterstock)
Trong 642 viên chức y tế nghỉ việc trong năm 2024 tại TP.HCM, có 286 bác sĩ, 259 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Con số tổng được cho là đã giảm 28,5% so với năm 2023.
Thông tin trên được Sở Y tế TP.HCM trong báo cáo tại buổi giám sát về chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả đầu tư công tại thành phố, diễn ra vào ngày 15/4, của Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho hay năm 2024, ngành y tế thành phố ghi nhận 642 viên chức nghỉ việc, trong đó, có 286 bác sĩ, 259 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y nghỉ việc, giảm 28,5% so với năm 2023.
Con số viên chức y tế nghỉ việc năm 2023 là 898 người, gồm 350 bác sĩ, 365 điều dưỡng, nữ hộ sinh (năm 2022 là hơn 1.500 người, năm 2021 là 1.149 người, trung bình những năm trước khoảng 400-500 người).
Lý do được nêu là vì áp lực công việc, mức thu nhập thấp, các nhân viên y tế chuyển sang làm việc tại các đơn vị y tế công lập khác, tư nhân, phòng khám tư nhân để có thu nhập cao hơn.
Cần lưu ý, số nhân viên y tế nghỉ việc có thời gian công tác lâu năm trong ngành, có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao. Trong khi đó, hầu hết nhân viên mới tuyển dụng lại là bác sĩ, điều dưỡng trẻ, mới tốt nghiệp, phải mất thời gian ngắn để đào tạo.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh hoặc bác sĩ tại khối lâm sàng của cơ sở y tế công lập tại thành phố là 1,86, chưa đạt chỉ tiêu 2,5 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ theo cơ cấu chăm sóc người bệnh.
Các bệnh viện có xu hướng thiếu hụt nguồn lực điều dưỡng vì chưa có chế độ thu hút, công việc áp lực, khó khăn khi điều dưỡng phải trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và đảm bảo nhiều công việc khác nhau.
Đưa ra giải pháp, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Trung ương, Chính phủ cần tăng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với nhân viên y tế làm việc trong môi trường độc hại. Đặc biệt là đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên đối với vị trí khó tuyển dụng như điều dưỡng, hộ sinh lâm sàng.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất Bộ Y tế bổ sung vị trí trợ lý điều dưỡng, trợ thủ nha khoa yêu cầu trình độ trung cấp trở xuống tại các cơ sở y tế công lập để giảm bớt áp lực cho điều dưỡng.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện theo kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, có 35 dự án trong lĩnh vực y tế được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 13.000 tỷ đồng.
Về trang thiết bị, do tình trạng quá tải của một số bệnh viện công lập dẫn đến tình trạng thiết bị y tế thiếu và xuống cấp. Một số đơn vị đã triển khai liên kết công – tư trong sử dụng trang thiết bị (đặt máy của các đơn vị tư nhân).
Tính đến năm 2018 có 109 đề án liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế với tổng giá trị 1.100 tỷ đồng, trong đó vốn đối tác là 997 tyr đồng (chiếm hơn 95%).
Ưu điểm của hình thức này là cung ứng trang thiết bị rất nhanh và vẫn được bảo hiểm y tế chi trả, giảm tải gánh nặng cho ngân sách, cơ sở y tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Thế nhưng từ năm 2018 đến nay, hình thức xã hội hóa này không được triển khai do nhiều ràng buộc về pháp lý như chưa có hướng dẫn về tài chính, định giá tài sản công, thẩm quyền phê duyệt… theo Nghị định 151 năm 2018 của Chính phủ.
Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các đơn vị tự đi vay (nhất là vay kích cầu) (giảm được chi phí cho người bệnh vì không phải gánh lãi suất sinh lời từ nhà đầu tư và các chỉ định thực hiện dịch vụ không cần thiết).
Đối với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, theo ông Nam, khung pháp lý hiện tại chưa tạo được sự an toàn cần thiết cho các nhà đầu tư PPP, có nhiều vướng mắt trong việc định giá tài sản công như đất, thương hiệu, nhân lực.
Các quy định về giá dịch vụ y tế chưa rõ ràng giữa bệnh viện công và bệnh viện PPP, trong khi giá dịch vụ lại thấp, khiến nhà đầu tư khó thu hồi vốn. Ngoài ra, chưa có cơ chế chuẩn bị và hỗ trợ tài chính cho các dự án PPP y tế.
Theo đại diện Sở Y tế, để tháo gỡ những điểm nghẽn này, ngành y tế TP.HCM đang vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết 16/2023/NQ-HĐND, quy định mức đầu tư tối thiểu cho dự án PPP trong lĩnh vực y tế là từ 30 tỷ đồng. Đây là mức đầu tư tương đương với chi phí xây dựng một trạm y tế đạt chuẩn quốc gia tại TP.HCM.
Ngoài ra, chính quyền thành phố hỗ trợ lãi suất cho các dự án này. Hiện, đã có 3/6 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư đã có nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, có 8 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đăng ký thực hiện 8 dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế.
Nguyễn Quân
Hôm thứ Sáu (18/4), Nhà Trắng của Tổng thống Trump đã chỉ trích tờ New…
Trộn gạo, cám, vỏ trấu thành thuốc diệt chuột giả, trộn nước pha phẩm màu,…
Trang web mới của Mỹ xác định rõ "rò rỉ từ phòng thí nghiệm" là…
Hôm thứ Sáu (18/4), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến…
Nguyễn Công Hoàn là danh sĩ trong “Tứ hổ Tràng An”. Ông đã dạy dỗ…
Tổng thống Trump nói rằng Washington có thể từ bỏ các nỗ lực tìm kiếm…