18 tháng có 9.680 nhân viên y tế nghỉ việc: Bộ Y tế nêu 4 nguyên nhân
- Minh Long
- •
Bộ Y tế đưa ra 4 nguyên nhân chính khiến 9.680 nhân viên y tế nghỉ việc trong 18 tháng, gồm: áp lực công việc cao; thu nhập thấp; áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất; áp lực của xã hội, gia đình và người thân.
- 857 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác
- Ba tháng đầu năm, 400 nhân viên y tế tại TP.HCM phải nghỉ việc
- Y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt: Thêm 528 người tại Thanh Hóa, Đà Nẵng
Theo Bộ Y tế, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).
Bộ Y tế cho biết báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ cho thấy, số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1/1/2021 – 30/6/2022 trên cả nước là 9.680 người (có 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).
Trong số này, có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Với 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, thành xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập, theo Bộ Y tế, có 2.795 bác sĩ, 2.640 điều dưỡng, 499 kỹ thuật y, 270 hộ sinh, 544 dược sĩ và 2.050 nhân viên khác.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM (2.035), TP. Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), TP. Đà Nẵng (248), TP. Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204).
“Nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh, thành phố (4.477/8.810) và ít hơn ở tuyến huyện và tuyến xã; có ở tất cả các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng”, Bộ Y tế cho biết.
Với 870 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có 299 bác sĩ, 234 điều dưỡng, 52 kỹ thuật y, hộ sinh 6, dược sĩ 49 và 230 viên chức khác.
Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao là các đơn vị thuộc TP.HCM và các thành phố lớn như: Đại học Y Dược TP.HCM (134 người), Bệnh viện Thống Nhất (86 người), Bệnh viện Trung ương Huế (63 người), Bệnh viện Bạch Mai (60 người), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (59 người), Bệnh viện Chợ Rẫy (48 người).
“Nhân viên y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc ở tất cả các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng, chủ yếu chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập làm việc” , Bộ Y tế nêu.
Cũng tại báo cáo này, Bộ Y tế cho biết thêm, đối với công chức cơ quan Bộ Y tế, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, Bộ Y tế có 19 công chức nghỉ, thôi việc theo nguyện vọng.
Nguyên nhân nghỉ việc
Bộ Y tế chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế công lập.
Theo Bộ Y tế, do áp lực công việc cao, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn, phải làm việc trong môi trường nguy hiểm.
Tiếp đó, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Bộ Y tế dẫn chứng, theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương 3.486.000 đồng (2,34 x 1.490.000 đồng). Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, BHYT).
Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 – 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 – 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Cùng với đó, do áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời áp lực của xã hội, gia đình và người thân, cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc.
Bộ Y tế đề xuất cần quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế, trong đó tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%…
Từ khóa Bộ Y tế nhân viên y tế nghỉ việc