Với phán quyết của tòa án, các bị hại trong vụ án “nữ giao dịch viên bưu cục lừa đảo hơn 9,3 tỷ đồng” tại Nghệ An tiếp tục phản đối, cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội và sẽ tiếp tục kháng cáo.
Sau 7 ngày tạm ngừng xét xử, chiều ngày 10/10, TAND tỉnh Nghệ An mở lại phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thị Lưu (SN 1983) – nguyên nhân viên Bưu điện huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, bà Lưu làm giao dịch viên tại Bưu cục Tân An (Bưu điện huyện Tân Kỳ) từ ngày 1/11/2006.
Từ năm 2012, bà Lưu được giao thêm nhiệm vụ làm giao dịch viên dịch vụ tiết kiệm bưu điện tại Phòng giao dịch Bưu điện Tân An thuộc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (đặt tại Bưu cục Tân An). Bà Lưu có con dấu Phòng giao dịch Bưu điện Tân An và dấu nhật ấn bưu cục, đảm nhiệm nhiệm vụ thu, nhận tiền của người dân đến gửi tiền tiết kiệm bưu điện tại Phòng giao dịch Bưu điện Tân An.
Trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2017, bà Lưu đã vay mượn tiền của một số hộ dân ở xã Tân An và các xã lân cận để chữa bệnh và chi tiêu cá nhân. Đến cuối năm 2017, bà Lưu bị đòi nợ nhưng không có khả năng để trả nợ nên đã nảy sinh ý định lừa đảo người dân đến giao dịch gửi tiền tiết kiệm tại Phòng giao dịch Bưu điện Tân An.
Đánh vào tâm lý ham lãi suất của người dân, khi có người đến gửi hoặc rút tiền tiết kiệm, bà Lưu đưa ra thông tin ngân hàng đang có chương trình khuyến mãi với lãi suất cao (từ 0,6 % đến 1%/tháng).
Để không bị nghi ngờ, bà Lưu chuẩn bị sẵn sổ tay, viết xác nhận việc nhận tiền vào sổ hoặc giấy rồi dùng con dấu của Phòng giao dịch Bưu điện Tân An hoặc dấu nhật ấn của Bưu cục Tân An đóng lên đưa cho người dân giữ.
Một thủ đoạn khác là sau khi nhận tiền xong, bà Lưu viện cớ bị nghẽn mạng không nhập tiền về quỹ bưu điện được, hẹn khách hàng hôm sau quay lại để lấy sổ. Sau đó, bà Lưu viết giấy vay nợ, đóng dấu nhật ấn của bưu điện vào rồi đưa cho khách hàng để làm tin.
Nhằm tạo lòng tin và che đậy việc nợ nần của mình, hàng tháng đến thời hạn trả tiền lãi suất, bà Lưu cho người dân rút tiền lãi, còn gốc thì tiếp tục “theo chương trình khuyến mãi”. Có người sau khi tính tiền lãi thì nhập vào cùng số tiền gốc trước đó và cộng thêm tiền đưa từ nhà đến để tiếp tục gửi “theo chương trình khuyến mãi”.
Đến ngày 19/4/2019, Phòng giao dịch Bưu điện Tân An chấm dứt mọi hoạt động tiết kiệm bưu điện nhưng bà Lưu không thông báo và tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người dân (khi bị thu hồi con dấu của ngân hàng, bà Lưu khai dùng dấu nhật ấn của bưu cục để đóng vào giấy nhận tiền).
Sau đó, Công an huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) liên tục nhận đơn tố cáo, kêu cứu của người dân các xã: Tân An, Đồng Văn, Nghĩa Phúc, Hương Sơn… thuộc huyện Tân Kỳ về việc bà Lê Thị Lưu – cán bộ bưu cục Tân An lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 11/3/2020, bà Lưu bị Công an huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) khởi tố, bắt tạm giam.
Cơ quan tố tụng xác định bị can Lưu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ ngày 13/12/2017 đến 31/12/2019, chiếm đoạt tổng cộng hơn 9,3 tỷ đồng của 27 người bị hại.
Tháng 3/2021, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lưu tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buộc bị cáo trả lại hơn 9,3 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Nhưng bị cáo Lưu khai đã tiêu xài hết số tiền lừa đảo, không có khả năng thanh toán.
Sau phiên tòa, có 25/27 bị hại kháng cáo, đề nghị xem xét trách nhiệm liên quan của lãnh đạo bưu điện, chi nhánh ngân hàng trong việc quản lý đơn vị để xảy ra vụ án, không bố trí kiểm soát viên mà bà Lưu lại có con dấu khiến mọi người tin tưởng và giao tiền. Các bị hại cũng đề nghị xác minh, thu hồi tài sản để nhận lại tiền.
Tại phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 24/12/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Ngày 3/10/2022, TAND tỉnh Nghệ An mở lại phiên xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, các bị hại và luật sư bảo vệ cho các bị hại đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bưu điện huyện Tân Kỳ, Bưu điện tỉnh Nghệ An và Chi nhánh Ngân hàng Thương mại CP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Nghệ An với lý do khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Lưu đang là giao dịch viên tại Bưu cục Tân An, có con dấu của Phòng giao dịch Bưu điện Tân An khiến người dân tin tưởng và đồng ý gửi tiền.
Sau một ngày xét xử, HĐXX công bố cần triệu tập thêm một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cho tạm ngừng phiên tòa, đến ngày 10/10 xét xử tiếp.
Chiều 10/10, TAND tỉnh Nghệ An mở lại phiên xét xử sơ thẩm.
Tại phiên tòa, các bị hại và luật sư của các bị hại đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội và cần làm rõ dòng tiền lừa đảo… Tuy nhiên, theo HĐXX, trong vụ án này, chỉ có bị cáo Lưu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân, không có dấu hiệu tội tham ô tài sản.
Cuối phiên xét xử, HĐXX tuyên tù chung thân đối với bị cáo Lưu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời bị buộc phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt là hơn 9,3 tỷ đồng cho 27 bị hại.
Sau khi nghe tòa tuyên án, nhiều bị hại cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…