Tham nhũng, nghèo đói và tri thức người dân là ba chân kiềng gắn chặt với nhau. Trình độ càng thấp, nghèo đói và tham nhũng càng tràn lan. Còn tham nhũng làm nghèo đói trở nên thậm tệ hơn và chặn đứng mọi cơ hội tiếp nhận giáo dục.
Chỉ khi giáo dục được cải thiện, thì trí thức người dân mới được cải thiện, năng lực làm việc cộng khả năng phản biện trước các vấn nạn xã hội mới giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn nói trên.
18% người dân chọn đói nghèo là vấn đề quan ngại nhất của đất nước. Đây là kết quả của công trình khảo sát PAPI 2015 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN) công bố hôm 12/4.
Nghèo đói xếp vị trí thứ nhất trong top 5 vấn đề. Tiếp đến là các vấn đề việc làm (8,4%), đường xá/giao thông (7,27%), tham nhũng (6,04%), an ninh trật tự (5,79%).
Đáng chú ý là trước đó gần một tháng, 96% người Việt Nam được hỏi ý kiến tại Sài Gòn đã tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, theo kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) công bố vào ngày 14/3.
Đây cũng là tỷ lệ cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đánh giá của tổ chức hợp tác và phát triển Quốc tế OECD, tầng lớp trung lưu bao gồm các hộ gia đình có mức chi phí tiêu dùng hàng ngày rơi vào khoảng 10 USD tới 100 USD/người. Xét theo tiêu chí trên, hiện Việt Nam có khoảng 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu, tương đương 8,8% trong tổng dân số 90,7 triệu người (năm 2014).
Còn theo báo cáo được công bố vào tháng 10/2015 của Credit Suisse – một ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, trụ sở tại Zürich, Thụy Sĩ, Việt Nam có 3 triệu người được xếp vào nhóm trung lưu, chiếm 0,5% dân số và chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 63,6 triệu người trưởng thành. Tổng tài sản của nhóm người này vào năm 2015 dao động từ 5.030 USD đến 30.000 USD.
Con số tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới là 14% trong tổng số 664 triệu người trưởng thành, tính đến năm 2015. Báo cáo này được xác định dựa vào tổng tài sản của người dân chứ không phải mức thu nhập.
Theo đó, với con số do HILL ASEAN công bố, ông Goro Hokari – Giám đốc HILL ASEAN – phân tích trên báo Tuổi Trẻ: “Tỷ lệ chêch lệch này khá cao so với khu vực như Singapore là 45% và 85%, Malaysia 46% và 79%, Indonesia là 56% và 72%… nhưng nó phản ánh lối sống mong muốn của một nhóm người”.
Theo ông Goro, nghiên cứu trên cho thấy có một phân khúc lớn những người xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ. “Họ xem chi tiêu là một khoản đầu tư trả trước mà lợi ích không quan trọng bằng cảm giác đem lại khi mua sắm nó”, ông Goro nói.
Hai kết quả khảo sát tuy bề mặt có vẻ như đối ngược, nhưng chúng như hai mặt của một đồng xu. Mặt sấp là sự lo lắng về nghèo đói được xếp hàng đầu, mặt ngửa là mong muốn mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế. Dù là mặt sấp hay mặt ngửa, thì nghèo đói vẫn là vấn đề trọng tâm.
Trong tổng số 14.000 người tham gia khảo sát, kết quả khảo sát PAPI 2015 cho thấy tranh chấp biển Đông chỉ đứng thứ 6 trong các vấn đề quan ngại hàng đầu của người dân trong nước, tỷ lệ 5,08%.
Trong cuộc khảo sát này chỉ 2,67% số người đã bị vòi vĩnh đưa hối lộ tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức trong khi 56% số người cho biết đã phải chi thêm tiền “lót tay” trong dịch vụ y tế, chứng nhận quyền sử dụng đất cho thấy người Việt đang phải chịu một áp lực lớn hơn nhiều ngay trong nước.
37% số người tham gia khảo sát cho rằng chính quyền đã nghiêm túc trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương trong năm 2015, nhưng 52% cho rằng có hiện tượng lót tay khi xin vào làm việc trong khu vực nhà nước, 34% đồng tình với việc phải “bồi dưỡng” giáo viên để con, em tiểu học được quan tâm hơn, 26% cho rằng có hiện tượng công chức cấp xã/phường dùng công quỹ vào việc riêng.
Mức tiền bị vòi vĩnh dẫn tới tố giác tăng dần theo thời gian, cho thấy mức độ chịu đựng vòi vĩnh, hối lộ của người dân tăng lên: từ mức 5,5 triệu đồng (2011) có thể thúc đẩy người dân tố giác, giảm xuống thấp nhất vào năm 2012 ở mức 5,1 triệu đồng, sau đó liên tục tăng, và tăng cao nhất đến năm 2015 – tăng lên gấp 4,3 lần – khi bình quân bị vòi vĩnh tới 23,7 triệu đồng sẽ thúc đẩy người dân tố giác.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông là mối quan ngại thứ 6 trong cả nước, nhưng ở đô thị thì đây là vấn đề quan ngại thứ 4, nhưng không thuộc nhóm 10 vấn đề gây lo lắng nhất tại nông thôn. Nghèo đói đều đứng đầu trong top quan tâm đối với cả người dân đô thị và nông thôn, trong đó, nghèo đói ám ảnh người nông thôn hơn với tỷ lệ 18,51%. 15,7% người tại đô thị lo sợ về nghèo đói.
Sau nghèo đói, người dân lo lắng về việc làm và tình trạng tham nhũng với tỷ lệ quan tâm lần lượt 11,38% tại đô thị, 7,89% tại nông thôn và 9,3% tại đô thị, 4,66% tại nông thôn.
>> 9 tháng đầu năm: Bội chi hơn 154 ngàn tỷ đồng, hơn 1 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ 12/2014, 33,1% dân số Việt Nam sinh sống ở thành thị. Tỷ lệ sống tại nông thôn cao gấp đôi, 66,9%.
Theo số liệu công bố năm 2009 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 84,5% dân số từ 25 tuổi trở lên tại nông thôn chỉ đạt trình độ học vấn bậc thấp. Con số này tại thành thị là 56,2%.
Chỉ 1,9% đạt trình độ học vấn bậc cao và 13,6% đạt trình độ học vấn bậc trung. Con số trên tại thành thị lần lượt là 13,3% và 30,5%.
Xét tương quan giữa chỉ số giáo dục cấp tỉnh với cơ cấu dân số, tốc độ gia tăng dân số và điều kiện kinh tế-xã hội, dựa trên thu nhập bình quân theo tháng của gia đình Việt Nam năm 2008 và các chỉ số về giáo dục ở cấp tỉnh, nghiên cứu của Tổng cục Thống kê nhận định: “Các tỉnh có thu nhập bình quân thấp như các tỉnh ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc là các tỉnh có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ từ Cao đẳng trở lên thấp nhất”.
Trong hình, chấm đen càng nhỏ biểu thị tỉnh có tỷ lệ người có học vấn cao càng thấp. Các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo càng cao có màu sắc biểu thị càng đậm.
Các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao cũng là các tỉnh có tỷ lệ dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường lớn (thể hiện bởi kích thước chấm lớn trên bản đồ).
Theo đó, có thể thấy cơ hội giáo dục của dân số liên quan trực tiếp tới điều kiện kinh tế – xã hội trong khu vực. Tỉnh càng nghèo, tỷ lệ dân số được đi học và có trình độ bậc trung trở lên càng thấp. Trình độ dân trí càng thấp, năng lực làm việc để tạo ra thu nhập cao càng nhỏ, dẫn tới vòng luẩn quẩn về đói nghèo, tri thức hạn chế, ít có tiếng nói phản biện trước các vấn nạn của xã hội, như tham nhũng, an ninh trật tự, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.v.v..
Phan A
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…