Việt Nam

Nha Trang: Nguyên nhân gây ngộ độc ở quán cơm gà khiến 367 người nhập viện

Sở Y tế Khánh Hòa công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm, nước lấy từ quán cơm gà Trâm Anh cùng các mẫu bệnh phẩm và bàn tay.

Một bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm do đồ ăn ở quán gà Trâm Anh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Tối 18/3, nói với báo Pháp luật TP.HCM, ông Đỗ Thái Hùng – Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết đã kết quả xét nghiệm các mẫu ngộ độc thực phẩm xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh (địa chỉ: số 10 đường Bà Triệu, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang đã tiếp nhận hai đợt với tổng cộng 19 mẫu có liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm xảy quán gà Trâm Anh, do Trung tâm Y tế TP. Nha Trang gửi đến.

Trong đó, 14 mẫu phẩm lấy ngày 13/3, gồm 4 mẫu thực phẩm, 4 mẫu bàn tay, 6 mẫu nước. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong mẫu hành phi phát hiện chủng Salmonella spp, còn dưa chua phát hiện khuẩn Bacillus cereus.

Đồng thời, kết quả xét nghiệm còn phát hiện vi khuẩn Escherichia coli, vi khuẩn Coliform và vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa trong mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng dùng để rửa dụng cụ của quán cơm gà nêu trên.

Năm mẫu lấy ngày 15/3 gồm một mẫu thực phẩm, 4 mẫu bệnh phẩm. Kết quả cho thấy mẫu cơm gà sốt trứng và gà xé được lấy tại một hộ gia đình ở xã Vĩnh Hiệp cho kết quả dương tính với chủng Salmonella spp và Bacillus cereus.

Mẫu cơm gà sốt trứng và gà xé trên được mua tại quán cơm gà Trâm Anh vào chiều ngày 12/3.

Như vậy, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang trùng khớp với kết quả cấy phân của 6 trường hợp là bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Cụ thể, có 6 ca dương tính với vi khuẩn Salmonella.

Cùng ngày, ông Trịnh Ngọc Hiệp – Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết đến 16 giờ ngày 18/3, sở ghi nhận có 367 ca triệu chứng ngộ độc liên quan quán cơm gà Trâm Anh vào cấp cứu tại các cơ sở y tế tại tỉnh.

Hiện còn 75 ca đang điều trị, số bệnh nhân còn lại đã được xuất viện về nhà. Tất cả ca bệnh đã tạm ổn định, một vài bệnh nhân còn triệu chứng đau bụng nhẹ, sốt giảm, đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Riêng trường hợp bệnh nhân mang thai 18 tuần, ông Hiệp cho biết sức khỏe người này cải thiện nhiều, bệnh tỉnh, hết tiêu chảy, sinh hiệu ổn được. Bệnh nhân đã được chuyển khoa Nội tổng hợp thần kinh tiếp tục điều trị.

Tối cùng ngày, ông Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết qua kết quả xét nghiệm, bước đầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus) gây ra. Cơ sở gây ra ngộ độc thực phẩm là quán cơm gà Trâm Anh. Bữa ăn nguyên nhân là các bữa ăn trưa, chiều các ngày 11 và 12/3.

Nhiễm vi khuẩn salmonella: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Vi khuẩn salmonella sống trong ruột người, động vật và chim. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước ô nhiễm có chứa phân. Cụ thể như sau:

1. Thực phẩm và nước có chứa nguồn lây bệnh

  • Thịt sống, thịt gia cầm và hải sản: Phân có thể dính vào thịt gia cầm trong quá trình giết mổ, hải sản cũng có thể chứa nguồn lây khi sống trong môi trường nước ô nhiễm.
  • Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm khuẩn salmonella. Trong khi đó, quá trình thanh trùng có thể loại bỏ vi khuẩn có hại, bao gồm cả salmonella.
  • Trái cây và rau củ: Rau củ quả tươi, đặc biệt là giống nhập khẩu có thể bị nhiễm khuẩn salmonella trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước.
  • Trứng sống hoặc nấu chưa chín: Mặc dù lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong khỏi sự nhiễm bẩn nhưng gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa vi khuẩn salmonella (tồn tại trước khi vỏ được hình thành). Đây chính là nguồn lây khi con người ăn phải.

2. Thực phẩm xử lý không đúng cách

Nhiều loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn salmonella bởi quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, chủ yếu là do không rửa tay kỹ trước khi thực hiện.

3. Nguồn lây từ vật nuôi và các loại động vật khác

Các loại động vật nói chung, bao gồm cả vật nuôi, đặc biệt là chim và bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella trên lông, da và phân của chúng. Do đó, đây cũng là nguồn lây nhiễm nên lưu ý.

4. Các yếu tố rủi ro

  • Các hoạt động hàng ngày khiến cơ thể tiếp xúc gần hơn với vi khuẩn salmonella.
  • Khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể bị suy yếu do gặp các vấn đề về sức khỏe.
  • Du lịch quốc tế: Tình trạng nhiễm khuẩn salmonella phổ biến hơn ở các quốc gia đang phát triển với điều kiện vệ sinh kém. Vậy nên, khách du lịch cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nếu đi đến các đất nước này.
  • Tiếp xúc với động vật: Một số động vật có thể mang vi khuẩn salmonella, ngoài ra, loại vi sinh vật này cũng dễ dàng tìm thấy trong chuồng, bể, lồng, khay vệ sinh của vật nuôi.
  • Rối loạn dạ dày hoặc ruột: Cơ thể có nhiều cơ chế bảo vệ tự nhiên chống lại nhiễm khuẩn salmonella, chẳng hạn như axit dạ dày mạnh. Tuy nhiên, một số vấn đề bệnh lý hoặc thuốc men lại có thể làm suy giảm khả năng này, bao gồm thuốc kháng axit, kháng sinh, vấn đề miễn dịch, bệnh viêm ruột…

5. Phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn salmonella

Tình trạng lây nhiễm vi khuẩn salmonella có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách ngăn chặn nguồn lây ngay từ ban đầu. Cụ thể như sau:

Đối với thực phẩm:

  • Không nên chế biến thực phẩm cho người khác khi bản thân đang bị bệnh
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh
  • Rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống
  • Rửa sạch các bề mặt, dụng cụ chế biến thức ăn trước và sau khi sử dụng
  • Đảm bảo thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn
  • Không xử lý bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong khi đang sơ chế, chế biến thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng
  • Rửa sạch rau củ quả trước khi chế biến
  • Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gia súc, gia cầm và hải sản càng sớm càng tốt nếu chưa sử dụng đến
  • Không uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng
  • Không uống nước chưa được xử lý hoặc ăn thức ăn được chế biến từ nước chưa được xử lý

Đối với vật nuôi:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật (kể cả vật nuôi), bao gồm cả
  • thức ăn, bát nước, khay vệ sinh, phân, lồng hoặc đồ chơi của chúng.Không chạm hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào động vật
  • Không hôn vào lông hoặc da của động vật, vật nuôi
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu, trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi tuyệt đối không nên chạm vào các nhóm động vật thuộc nguy cơ cao
  • Làm sạch môi trường sống của thú cưng, chẳng hạn như bể cá, lồng…
  • Không sử dụng bồn rửa trong nhà bếp để tắm rửa, vệ sinh cho thú cưng hoặc đồ chơi của chúng.

Khánh Vy

Khánh Vy

Published by
Khánh Vy

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

54 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

1 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

2 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

3 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

3 giờ ago