Thông tin trên được đại tá Nguyễn Ngọc Quang (Phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai) nói tại cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 28/12.
Theo ông Quang, đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam 100 bị can. Trong đó 99 bị can bị khởi tố về các tội buôn lậu; sản xuất, buôn lậu hàng giả; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ.
Riêng bị can Ngô Văn Thụy (cựu đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị khởi tố tội “nhận hối lộ”.
Ông Quang cho biết liên quan đến vụ việc trên, công an còn phát hiện nhiều cán bộ của lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển đã “nhận hối lộ, tiếp tay, bảo kê” cho đường dây buôn lậu.
“Chúng tôi đã chuyển hồ sơ, tài liệu vụ án cho Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Cơ quan này đã khởi tố 14 bị can về tội danh nhận hối lộ. Trong đó có các bị can giữ vị trí trọng yếu của lực lượng cảnh sát biển và lực lượng bộ đội biên phòng cấp tỉnh”, ông Quang nói.
Vụ án buôn lậu, sản xuất 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ở TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) đứng đầu.
Chuyên án triệt phá đường dây tội phạm này được công an Đồng Nai lập cuối năm 2020, sau khi nhận phản ánh từ người dân về xăng kém chất lượng.
Trước đó, tối 6/2, công an Đồng Nai cùng Bộ Công an kiểm tra ụ nổi giữa sông Hậu (Vĩnh Long), phát hiện nhiều người đang pha chế xăng giả. Cùng lúc, 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng bị khám xét, hàng loạt người liên quan bị bắt.
Hơn 100 tỷ đồng, 50 sổ đỏ đất đai, 12 thùng hồ sơ; 2 tàu biển 1.500 tấn, 5 sà lan 400-1.000 tấn, 6 xe bồn trong bờ, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hóa chất… bị thu giữ.
Cơ quan điều tra cho rằng, có khoảng một triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường mỗi ngày từ “lò” pha chế giữa sông Hậu. Tính từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt, nhóm nghi phạm đã cung cấp ra thị trường hơn 200 triệu lít.
Liên quan đến vụ việc, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết đây được coi là đại án.
Theo ông Xô, ngày 8/2, công an Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án Buôn lậu; Sản xuất, buôn lậu hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Ngày 18/3, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng quyết định đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi và chỉ đạo.
“Quá trình điều tra ban đầu, cảnh sát phát hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý và có hiện tượng bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả”, ông Xô nói.
Cơ quan công an cũng niêm phong nhiều bến thủy nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng, phong tỏa, kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng của những người này.
“Vụ án này cho thấy hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu, trên quy mô rộng, thủ đoạn tinh vi, có sự tham gia của một số cá nhân, tổ chức trong hệ thống, có bảo kê nên khó khăn trong phá án”, ông Xô cho hay.
Cũng theo ông Xô, nhóm người đưa hối lộ rất tinh vi. Khi hối lộ, những người này không gặp trực tiếp mà quy định với nhau về một “hộp thư chết”, giao tiền bí mật; hoặc họ chuyển tiền vào những tài khoản thông nhau để một người gửi, một người rút tiền.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…