Website của một công ty ở Trung Quốc được cho là đang công khai thông báo việc bán đấu giá nhiều sắc phong cổ của Việt Nam dưới triều Lê và triều Nguyễn.
Ngày 12/4, UBND xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đã có báo cáo gửi UBND huyện Tam Nông, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tam Nông về vụ nghi vấn các sắc phong bị mất cắp tại địa phương hồi năm 2021 đang được rao bán trên mạng ở Trung Quốc.
Báo VTC NEWS dẫn thông tin từ UBND xã Dị Nậu cho biết vào ngày 11/4 địa phương này ghi nhận bài viết trên tài khoản Facebook có tên Trần Ngọc Đông với nội dung “Đau xót khi sắc phong của Đền Quốc tế xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bị đánh cắp năm 2021 và nhiều sắc phong khác của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc”.
Bài viết còn nêu rằng trang đấu giá của Công ty Trung Quốc Thượng Hải Dương Minh đăng nội dung đấu giá các hiện vật vào ngày 22/4 với giá khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 Nhân dân tệ (khoảng từ 10-12 triệu đồng). Những thánh chỉ này in trên giấy vàng, họa tiết rồng, còn nguyên vẹn.
Sắc phong được cho là của vua Lê Hiển Tông, ban bố năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740). Bức thứ hai được cho là sắc phong thần ban hành năm Thiệu Trị thứ tư (1844), nói về công đức của thiền sư thời Lý Từ Đạo Hạnh. Thánh chỉ khác được rao bán là của vua Thành Thái, ban bố năm 1889, sắc phong vị thần làng ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (cũ).
Ngoài ra còn có một số hiện vật được mô tả là các sắc phong dưới triều Nguyễn Việt Nam, ví dụ hiện vật số 2184 có hình tứ linh bạc, dấu triện đỏ, “được bảo quản tốt, có thể gọi là hàng hiếm”.
Trong các sắc phong của Việt Nam, có cuốn được rao bán với giá đến 80 nghìn Nhân dân tệ (gần 300 triệu đồng).
Sắc phong thần là tài sản chung của làng, xã nên thường được lưu giữ, bảo tồn chung. Sắc phong thường được viết lên giấy hoặc vải màu vàng, in hình rồng, có đóng ấn của vua.
Ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho hay Bộ đã biết được thông tin các sắc phong được rao bán ở Trung Quốc và gửi văn bản cho 8 địa phương để xác minh thêm.
Đồng thời, ông Cương cũng cho biết Bộ VH,TT&DL sẽ có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Lãnh sự của mình ở Thượng Hải (Trung Quốc) xác minh thêm thông tin, sau đó mới có các giải pháp tiếp theo.
Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh (Shanghai YangMing) tự giới thiệu là công ty được thành lập vào năm 2014, với sự chấp thuận của Cục Quản lý Công nghiệp & Thương mại Thượng Hải và Ủy ban Thương mại Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Đền Quốc tế bị trộm nhiều sách cổ và sắc phong vào tháng 5/2021Đại diện UBND xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết đền Quốc tế bị trộm vào tháng 5/2021. Khi đó, kẻ đột nhập đã dùng xà beng phá két sắt lấy đi nhiều sắc phong, sách cổ, đều là những cổ vật có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. Được biết, đền Quốc tế là nơi lưu giữ tư liệu quý hiếm thời Lê như ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong. Các di vật này phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh xảo. Ngoài ra, còn có sắc phong của nhiều triều đại, trong đó cổ nhất là sắc phong của vua Lê Chân Tông (hiệu Phúc Thái) tấn phong cho ngài Cao Sơn vào ngày 17/7/1645. Từ những sắc phong và tư liệu cổ trên mà đền Quốc tế còn được gọi là đền Thượng, được ghi nhận là vị trí chiến lược mà các Lạc tướng, Lạc hầu thời Hùng Vương lựa chọn để xây dựng dinh lũy, khai điền, mở nước. Đền tồn tại cho đến nay đã được hơn 2 thiên niên kỷ (2.300 năm). Ngày 22/9/1992, đền Quốc tế được Bộ VH,TT&DL cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. |
Khánh Vy (t/h)
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…