Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/12. Hai nước láng giềng Việt – Trung đều do Đảng Cộng sản cai trị, có quan hệ chính trị và trao đổi kinh tế chặt chẽ, nhưng cũng vướng vào tranh chấp lãnh thổ.
Đây là chuyến thăm Hà Nội lần thứ hai của ông Tập Cận Bình sau 6 năm, trùng hợp với kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Việt Nam, và nhân dịp Hà Nội nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm (7/12), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, trong chuyến thăm của mình, ông Tập Cận Bình sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về việc nâng cao vị thế mới trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, tập trung vào 6 lĩnh vực gồm chính trị, an ninh, hợp tác thực chất, cơ sở dư luận, hàng hải đa phương.
Là những quốc gia do Đảng Cộng sản cai trị, Việt Nam và Trung Quốc có sự nhất quán cao về ý thức hệ. Lãnh đạo hai nước thường mô tả mối quan hệ song phương là “đồng chí, anh em”.
Các chính đảng của hai nước thường xuyên có sự tương tác cấp cao. Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 2012, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 4/2015, tháng 1/2017 và tháng 10/2022.
Ông cũng là quan chức nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử lần thứ 3 tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Ông Tập cũng thăm Việt Nam vào tháng 11/2015 và tháng 11/2017.
Hai bên cũng có các diễn đàn trao đổi cấp cao thường xuyên, do các thành viên Bộ Chính trị hai bên đồng chủ trì.
Ông Lê Lương Phúc (Lye Liang Fook), nhà nghiên cứu cấp cao tại ISEAS – Viện Yusof Ishak ở Singapore, tin rằng sự trao đổi giữa hai nước Việt -Trung rất mạnh mẽ. Sự kết nối này tiếp tục phát huy tác dụng trong việc thiết lập khuôn khổ tổng thể của quan hệ song phương.
Trong một bài phân tích, ông cho biết, Bắc Kinh di chuyển giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã gây ra cuộc đối đầu giữa hai nước vào năm 2014. ĐCSVN và ĐCSTQ đã ổn định quan hệ và kiểm soát những khác biệt thông qua chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao.
Trong thập kỷ qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt – Trung ngày càng trở nên thân thiết. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, và hiện là nguồn đầu tư nước ngoài chính của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Cuối tháng trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ làm sâu sắc và mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Reuters dẫn lời các quan chức và nhà ngoại giao cấp cao của Việt Nam cho biết, hai nước cũng đang thảo luận về việc nâng cấp lớn hệ thống đường sắt của Việt Nam. Tuyến đường sắt được nâng cấp sẽ đi qua vùng lõi đất hiếm ở miền Bắc Việt Nam. Tuyến đường sắt này có thể được coi là một phần của dự án “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại chặt chẽ, nhưng những vướng mắc lịch sử và tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước đã khiến Việt Nam cảnh giác với Trung Quốc. Hai bên đã phải đối mặt với những tranh chấp chủ quyền kéo dài hàng thập kỷ ở Biển Đông và chiến tranh nổ ra vào những năm 1970.
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí giải quyết hợp lý những khác biệt và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông, nhưng tranh chấp chủ quyền này đã gây ra nhiều cuộc đối đầu nghiêm trọng trong thập kỷ qua.
Năm 2014, Trung Quốc đặt giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), gây va chạm với tàu cá Việt Nam và các cuộc bài Hoa ở Việt Nam.
Tháng 4/2020, một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đã thiết lập các thành trì quân sự ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa), triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa ở đó. Điều này cũng gây ra quan ngại nghiêm trọng của Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam đã thực hiện các dự án cải tạo và mở rộng trên các đảo và rạn san hô mà mình kiểm soát, nhằm chống lại các hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Đồng thời, Việt Nam cũng tìm cách tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và phát triển chính sách đối ngoại cân bằng cạnh tranh giữa các cường quốc.
Tháng 9 năm nay, khi Tổng thống Mỹ Biden đến thăm Việt Nam, Hà Nội đã nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên 2 cấp, thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đưa Washington ngang hàng với Bắc Kinh trong hệ thống cấp bậc ngoại giao của Việt Nam.
Mặt khác, người dân Việt Nam cũng có cái nhìn không tốt về Trung Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2017 của Pew Research cho thấy, trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương, người dân Việt Nam ít thiện cảm nhất với Trung Quốc, chỉ 10% số người được hỏi thích Trung Quốc hơn Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình, ông sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về quan điểm mới, nhằm tăng cường quan hệ Việt – Trung.
Trước đó, trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, trong cuộc hội đàm với ông Vương Nghị tại Hà Nội hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ, Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Ông nói, Việt Nam ủng hộ việc xây dựng “Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”, cùng các dự án phát triển toàn cầu, dự án an ninh và văn minh toàn cầu của Trung Quốc.
“Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh” là khái niệm được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào năm 2013. Ông gọi đây là “giải pháp của Trung Quốc” và “trí tuệ Trung Quốc”, nhằm mang lại cho trật tự thế giới mới trong tương lai.
Tuy nhiên, các học giả phương Tây lại cho rằng đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập một trật tự mới lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang thúc đẩy Việt Nam tham gia “Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh” và các dự án toàn cầu khác, nhưng Hà Nội chỉ miễn cưỡng tham gia.
Giáo sư Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS) ở thành phố Honolulu, bang Hawaii, Hoa Kỳ nói với VOA rằng nếu Việt Nam đồng ý tham gia, điều đó có nghĩa là mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển từ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hiện nay lên một cấp độ nữa.
Bắc Kinh sẽ giải thích điều này có nghĩa là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam luôn cao hơn mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Nhưng ông nói: “Thực tế là Việt Nam đã chống lại sự thúc đẩy ‘leo thang’ này của Trung Quốc trong nhiều năm. Hơn nữa trong mối quan hệ Mỹ-Việt, cả hai bên đều muốn nâng cấp”.
Ông cho biết: “Điều đáng chú ý là Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất ở lục địa Đông Nam Á chưa gia nhập ‘cộng đồng chung vận mệnh’ của Trung Quốc. Vài năm qua, các nước khác như Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đã gia nhập”.
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…
Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…
Lão hóa là một phần không thể tránh khỏi trong quy luật tự nhiên, nhưng…