Thiếu tiền trả nợ và kinh doanh, nữ giám đốc tại Hà Nội đã ‘vẽ’ ra ‘món hời’ đầu tư vốn đặt vé máy bay cho tour du lịch khách nước ngoài khiến 2 người ‘sập bẫy’, mất gần 20 tỷ đồng.
Sáng ngày 10/11, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Trịnh Thị Thảo (SN 1983, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) và bị cáo Đinh Thị Thu Hiền (SN 1979, trú tại xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Thảo nguyên là Giám đốc Công ty TNHH VA Travel, còn bà Hiền là Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vĩnh Xuân.
Theo cáo trạng, do cần tiền trả nợ và đầu tư vào công việc kinh doanh khác, bà Thảo nói với bà Vũ Thị Tình (SN 1984, em họ bà Thảo) – Kế toán trưởng công ty VA Travel rằng công ty hiện đang kinh doanh tour khách du lịch từ Tây Ban Nha về Việt Nam rất phát đạt. Với mỗi đoàn khách đến Việt Nam, Công ty VA Travel được hưởng lợi nhuận từ 17-18% tổng số tiền dịch vụ du lịch (gồm tiền đặt vé máy bay, chỗ nghỉ, du lịch…).
Bà Thảo khoe đã mua được nhà, xe ô tô và các tài sản giá trị từ việc kinh doanh tour du lịch này. Nếu các nhà đầu tư tham gia cùng sẽ được hưởng lợi nhuận khoảng 3,5%/đoàn.
Bà Thảo nói dối rằng khách Tây Ban Nha đến Việt Nam sẽ ứng trước số tiền khoảng 30% bằng cách chuyển khoản và thanh toán hết trước khi đến Việt Nam 3 ngày nên không có rủi ro. Tiền từ Tây Ban Nha chuyển về Việt Nam mất 5 ngày mới nhận được, trong khi đó tiền đặt code vé máy bay cho các đoàn khách cần đặt ngay nên cần huy động vốn từ mọi người. Cũng theo lời bà Thảo, trung bình mỗi ngày, Công ty VA Travel có khoảng 30 đoàn (30 người/đoàn) nên số tiền đặt mua vé máy bay mỗi ngày rất lớn (khoảng hơn 500 triệu đồng/đoàn).
Khoảng tháng 11/2017, bà Thảo đưa danh sách khách tour du lịch và sao kê ngân hàng cho bà Tình xem. Thấy ngày nào bà Thảo cũng vay cả tỷ đồng để mua vé máy bay nên bà Tình tham gia đầu tư.
Sau đó, bà Tình nói với bạn học là bà Vy Thu Phượng (ở Ninh Bình) và ông Mẫn Bá Quý (ở Bắc Ninh) về tình hình kinh doanh của Công ty VA Travel. Bà Phượng và ông Quý tin tưởng nên đã đồng ý đầu tư.
Ngày 25/11/2018 và ngày 26/12/2018, bà Phượng ký 2 hợp đồng kinh doanh với bà Thảo. Ngày 1/2/2019, ông Quý cũng ký hợp đồng hợp tác với bà Thảo.
Theo hợp đồng, bà Thảo sẽ gửi danh sách khách Tây Ban Nha cho ông Quý và bà Phượng từ 2-3 đoàn khách/ngày để đặt vé máy bay tại công ty của bà Hiền.
Sau đó, bà Phượng, ông Quý sẽ gửi danh sách cho bà Hiền để nhận báo giá. Sau khi đặt vé xong, bà Hiền sẽ gửi lại mã code vé máy cho hai người, tiền lợi nhuận là 3,5% số tiền đặt vé máy bay.
Trong vòng một tháng, từ ngày 6/12/2018 đến ngày 4/1/2019, bà Thảo gửi danh sách giả các đoàn khách tour du lịch để bà Tình gửi cho bà Phượng qua email. Sau đó, bà Phượng và ông Quý thanh toán tiền code vé máy bay thông qua công ty bà Hiền như đã thỏa thuận.
Sau khi nhận tiền, bà Hiền hủy vé, không thanh toán tiền vé mà giữ lại 5% giá trị tiền vé, còn lại chuyển khoản cho bà Thảo để kinh doanh bất động sản.
Từ ngày 5/1/2019, lo sợ bị phát hiện, bà Hiền không nhận tiền đặt code vé máy bay cho bà Thảo. Lúc này, bà Thảo vẫn tiếp tục gửi danh sách tour và giá tiền vé máy bay cho ông Quý và bà Phượng thanh toán.
Từ tháng 12/2018 đến ngày 22/3/2019, bà Thảo đã nhận hơn 113 tỷ đồng của ông Quý, bà Phượng. Bà Thảo đã chuyển trả lại 2 người này hơn 95,3 tỷ đồng, hiện còn chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng. Còn bà Hiền đã chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Sau khi xét xử, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Thảo 19 năm tù giam và bị cáo Hiền 8 năm tù giam.
Cơ quan điều tra xác định bà Tình không biết danh sách bà Thảo cung cấp là giả mạo nên không có căn cứ để xử lý bà Tình.
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…