Sáng kiến này của vị PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM khiến hội trường xôn xao.
Ngày 12/7, HĐND TP.HCM khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 15.
Tại buổi họp, nhiều đại biểu đã đề xuất với thành phố về các phương án chống ngập.
Có đại biểu đưa ra ý kiến cần tiến hành nạo vét hệ thống kênh, rạch để thoát nước; có đại biểu cho rằng cần xử lý tình trạng lấn chiếm kênh, rạch xây nhà cửa mới giải quyết bài toán ngập một cách căn cơ,…
Đặc biệt, ý kiến của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM đề xuất khiến hội trường xôn xao.
Bà Xuân cho rằng nếu thử nhìn ở góc độ khoa học xã hội và nhân văn, có thể tìm ra giải pháp chống ngập đơn giản, thay vì chờ các giải pháp chống ngập hiện nay.
Vị PGS.TS lấy dẫn chứng ở khu vực nông thôn, người dân thường trang bị các lu nước rất to để mỗi lần mưa xuống là hứng nước mưa. Một phần nào nước mưa được chứa lại trong lu sẽ hạn chế nước ra ngoài đường.
Do đó, bà Xuân sáng kiến “nên trang bị cho mỗi nhà một lu nước để chống ngập cho TP.HCM khi các công trình lớn chưa hoàn thành. Đây cũng là một giải pháp chống ngập bên cạnh các công trình chống ngập khác; là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TP cho rằng chống ngập là bài toán nan giải.
Nguyên nhân chính là do tình trạng đô thị hóa cao. Nhiều khu vực trước đây là đất trống, mưa xuống có thể thoát nước nhanh, nhưng đến nay đã bị bê tông hóa, nước mưa không có chỗ thấm xuống đất mà phải chảy ra hệ thống đường, cống, gây ngập.
Tuy nhiên, hiện thành phố đang triển khai nhiều dự án chống ngập và phần nào đã phát huy hiệu quả.
“Trong những năm gần đây tình trạng ngập không nghiêm trọng như nhiều năm trước” – ông Hoan nói.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay thành phố đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập. Cụ thể, với các tuyến đường ngập do mưa, thành phố đã đầu tư hệ thống cống, cải thiện tình trạng ngập tại 22 tuyến, đạt 59,64% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Đang tiếp tục thực hiện 15 tuyến, chưa triển khai thực hiện 3 tuyến (dự kiến chuyển tiếp sau 2020). Về các giải pháp giải quyết các tuyến ngập do triều, đã hoàn thành 5 tuyến, đạt 55,56% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020, đang tiếp tục thực hiện 4 tuyến. Các hạng mục chống ngập do triều gồm: các dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thực hiện, hoàn thành khoảng 75% khối lượng. Các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị thực hiện (6 dự án): 2 dự án đang thi công, đạt 33,33% so với chỉ tiêu 2016-2020 và 4 dự án chưa triển khai thực hiện. Nhà máy xử lý nước thải: đã thực hiện hoàn thành 1 nhà máy, dự kiến hoàn thành trong quý I/2020: 1 nhà máy, dự kiến chỉ đạt 28,57% so với chỉ tiêu 2016-2020. Chuẩn bị khởi công 1 nhà máy trong năm 2019 (khó có khả năng hoàn thành kịp trong năm 2020) và 4 nhà máy kinh phí đầu tư lớn, phụ thuộc khả năng kêu gọi vốn ngoài ngân sách, đang tiếp tục kêu gọi đầu tư. |
Hoàng Minh
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…