Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình Lại Hợp Mạnh mới công bố hành vi phạm tội của ông Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản.
Thông tin được Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình Lại Hợp Mạnh nêu tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 7/12.
Tại báo cáo về tình hình vi phạm, tội phạm năm 2023; kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát, điều tra, xét xử án hình sự, ông Mạnh đã đề cập đến việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Lưu Bình Nhưỡng.
Ông Mạnh cho biết việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (ngày 14/11) căn cứ vào kết quả điều tra vụ án Phạm Minh Cường (SN 1986, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; có 3 tiền án) trong băng nhóm xã hội phức tạp, thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật. Từ năm 2020 – 2022, Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy với gần 5 tỷ đồng.
Cường và đồng phạm tự ý cắm cọc lập vây, lập chòi các bãi triều có diện tích khoảng 180 ha; gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được. Một tàu vào khai thác cát, muốn đi qua bãi của Cường phải nộp 1.500 đồng/1 m3 cát, tương đương mức giá 1,05 triệu đồng cho khoảng 700 m3 cát.
Theo VKSND tỉnh Thái Bình, trong quá trình cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm đối tượng xã hội cản trở, gây khó khăn.
Do có mối quan hệ từ trước (ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu, Cường từng nói ông Nhưỡng là bố nuôi), Cường đã nhờ ông Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội này không gây khó khăn nữa. Sau đó, Cường tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.
Hành vi phạm tội của bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản – theo báo cáo của Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình.
Ông Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), là Tiến sỹ Luật, nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bến Tre, bị bắt bất ngờ khi ông này vừa xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào tối 14/11. Tại thời điểm bị bắt, ông Nhưỡng là Phó trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cho rằng việc bắt ông Nhưỡng là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường “quắt”), cáo buộc ông Nhưỡng về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Ngày 1/12, tức nửa tháng sau khi bắt ông Nhưỡng, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến ông Nhưỡng.
Công an tỉnh Thái Bình yêu cầu rà soát đối với toàn bộ các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với cương vị đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi đến UBND tỉnh, thành phố hoặc các sở ban ngành, đơn vị trực thuộc.
Giai đoạn rà soát văn bản là từ tháng 7/2016 đến nay kèm theo kết quả xử lý, trả lời đối với các văn bản, phiếu chuyển đơn nêu trên của ông Nhưỡng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là Phó chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Tính đến năm 2010, ông có 22 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Sau đó, ông Nhưỡng làm Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Ông Nhưỡng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016 – 2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016 – 2021), không được giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026) do quá tuổi theo hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm ông Nhưỡng giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội vào tháng 10/2019, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho hay “có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn khuất trong cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng”. Vào đầu tháng 5/2020, sau phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải với biểu quyết y án của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng các thành viên trong Hội đồng thẩm phán, ông Nhưỡng nêu quan điểm “cần phải bàn lại tính độc lập của nền Tư pháp”. |
Nguyễn Quân
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…