Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư TP.HCM cho rằng thành phố sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng dịch COVID-19, có thể là 1-2 tuần sau ngày 1/8.
Trước đó, ngày 23/7, sau khi kết thúc thời gian thực hiện 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, TP.HCM quyết định kéo dài đợt giãn cách thêm 8 ngày (đến ngày 1/8) với các giải pháp mạnh hơn.
Tuy nhiên, trong vài ngày qua, số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao. Tính từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7, thành phố ghi nhận thêm 2.115 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 287. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 74.800 trường hợp mắc COVID-19.
Nói tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 vào chiều 28/7, ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM cho biết trước số ca nhiễm tăng hàng ngàn ca mỗi ngày, ngành y đang chịu áp lực rất lớn, gần như đã lấp đầy công suất, nhiều thời điểm bệnh viện gặp tình trạng quá tải.
Hiện TP.HCM đã phải rà soát, sắp xếp lại các tầng điều trị cho khoa học hơn để giảm áp lực cho ngành y; trong đó tiếp tục tăng năng lực các bệnh viện dã chiến để điều trị F0 nặng; áp dụng phương án cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà.
Về công tác điều trị, các bệnh viện tuyến quận đã có ý kiến áp dụng mô hình chia đôi bệnh viện, chuyển đổi một phần sang điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm hỗ trợ cho các cơ sở điều trị. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị tùy thuộc vào năng lực và cơ sở vật chất. Các bệnh viện dã chiến được tiếp tục xây dựng, chuyển đổi công năng, dự kiến có thêm 1 – 2 bệnh viện trong tuần tới.
Bệnh viện hồi sức COVID-19 đang tiếp tục hoàn thiện để nâng công suất tối đa là 1.000 giường; đồng thời huy động các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân uy tín tham gia điều trị, hồi sức các bệnh nhân rất nặng.
Trả lời câu hỏi của báo chí trong nước về các biện pháp phòng dịch viêm phổi Vũ Hán sau ngày 1/8, ông Mãi cho biết TP.HCM đã thực hiện các giải pháp theo chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và công văn 2468 của UBND thành phố.
Theo ông Mãi, đến ngày 1/8, thành phố sẽ có những đánh giá về tình hình dịch để đưa ra những giải pháp tiếp theo. Có thể, thành phố sẽ áp dụng các biện pháp theo chỉ thị 12 và công văn 2468 thêm một thời gian nữa, có thể 1-2 tuần sau ngày 1/8.
Trước đó, ngày 22/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ký chỉ thị 12 tăng cường một số biện pháp thực hiện chỉ thị số 16. Theo đó, thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; quy định cách ly, phong tỏa.
Thành phố cũng tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh; các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách; ngành ngân hàng, chứng khoán hoạt động ở mức độ vừa phải để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết; chỉ những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu được hoạt động.
Đến ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký công văn số 2468 tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Từ ngày 26/7, UBND TP.HCM cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 18h mỗi ngày, dừng tất cả hoạt động đến 6h sáng hôm sau (trừ trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng dịch).
Hoàng Minh
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…