Tàu thuyền đánh cá đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị bão Yagi đánh chìm sẽ được tỉnh hỗ trợ một phần chi phí trục vớt, từ 15 đến 50 triệu đồng theo độ lớn của tàu.
Chính sách trên nằm trong dự toán 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp tỉnh năm 2024, để khắc phục hậu quả bão Yagi (bão số 3), mưa, lũ sau bão, do HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua hôm 23/9.
Theo đó, chủ tàu thuyền từ 12 m trở lên bị bão đánh chìm được hỗ trợ mức 50 triệu đồng, đối với mỗi tàu dài từ 6-12m, hỗ trợ 15 triệu đồng để trục vớt. Điều kiện áp dụng đối với tàu, thuyền đăng ký và đang duy trì ổn định, thường xuyên hoạt động khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện hỗ trợ trong năm 2024.
Nghị quyết chưa đề cập chính sách hỗ trợ cho các tàu du lịch và tàu vận tải. Các tàu đã mua bảo hiểm thân vỏ, không chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống bão, hoặc không neo đậu đúng nơi quy định sẽ không được hỗ trợ.
Khoản chi 1.000 tỷ đồng còn được chi hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh Quảng Ninh năm học 2024-2025 (trừ các nhóm học sinh đã nhận các chính sách hỗ trợ học phí của tỉnh).
Những nhà bị thiệt hại nặng trong và sau bão Yagi được hỗ trợ, bao gồm cả nhà bị thiệt hại một phần và thiệt hại hoàn toàn. Đối với nhà ở bị đổ sập, hư hỏng không có khả năng khôi phục, phải xây mới, mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ. Đối với nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được, hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để sửa chữa. Dự kiến tổng số hộ cần hỗ trợ khoảng 2.851 hộ, thời gian hỗ trợ năm 2024.
Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh lên 700.000 đồng/tháng (cao hơn mức Trung ương quy định là 500.000 đồng/tháng).
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, sau bão Yagi, toàn tỉnh Quảng Ninh có 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương, 78.685 nhà bị tốc mái; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm. Hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.500 ha lúa bị ngập; hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại…; trên toàn tỉnh, mất điện, nước, mạng viễn thông trên diện rộng…
Tổng thiệt hại về kinh tế là trên 23.700 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là TP. Hạ Long, khoảng 9.686 tỷ đồng. Huyện Vân Đồn, nơi nuôi trồng thủy sản trên biển lớn nhất của tỉnh ghi nhận tổng số thiệt hại hơn 3.693 tỷ đồng (riêng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản trên biển là trên 2.200 tỷ đồng).
Các khu vực khác, TP. Uông Bí 3.200 tỷ đồng; thị xã Quảng Yên hơn 2.305 tỷ đồng, thị xã Đông Triều hơn 1.148 tỷ đồng, TP. Cẩm Phả hơn 1.000 tỷ đồng, huyện Tiên Yên hơn 960 tỷ đồng, huyện Ba Chẽ hơn 740 tỷ đồng, huyện đảo Cô Tô hơn 192 tỷ đồng, TP. Móng Cái hơn 190 tỷ đồng…
Sau khi bão Yagi đi qua, Quảng Ninh từ chối khoản hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả bão Yagi (cùng với Hải Phòng) để chia sẻ cho các địa phương khác khó khăn hơn. Sau khi Quảng Ninh và Hải Phòng báo cáo tự cân đối nguồn lực địa phương, ngày 9/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ký quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương 2024 cho 5 tỉnh khắc phục hậu quả bão Yagi, trong đó Thái Bình 30 tỷ đồng; Nam Định, Hải Dương, Yên Bái nhận 20 tỷ đồng mỗi tỉnh; Hưng Yên 10 tỷ đồng. |
Nguyễn Sơn
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…