Tại tỉnh Kiên Giang, có trên 23.000 hồ sơ (chiếm hơn 50%) bị phát hiện tẩy xóa diện tích, biên bản thẩm định, biên bản họp dân, mức thiệt hại, thiếu đơn xin hỗ trợ… Ngoài ra, trên 4.600 hộ dân bị bỏ sót với tổng diện tích trên 7.000 ha, kinh phí cần hỗ trợ 39 tỷ đồng…
Mặc dù vậy, tỉnh thống nhất không xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính. Sau hai tháng mới chỉ có một huyện báo cáo kết quả xử lý sai phạm. Hình thức xử lý nặng nhất là khiển trách, kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Theo kết luận thanh tra, trong đợt hạn mặn 2015 – 2016, có tổng 47.531 hộ dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại.
UBND tỉnh Kiên Giang ứng ngân sách hỗ trợ cho 47.531 hộ dân trồng lúa bị thiệt hại trên 463 tỷ đồng để giúp người dân có vốn tái sản xuất.
Trong quá trình cấp phát tiền hỗ trợ cho nông dân, có nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng tiêu cực như: kê khống diện tích, lập khống danh sách… tại nhiều huyện như: An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng…
Kết quả thanh tra cho thấy các phòng chức năng của huyện đã thẩm định không chính xác trước khi đề xuất lên UBND tỉnh công bố thiên tai; quyết định dự toán kinh phí dẫn đến thừa số tiền hỗ trợ hơn 8,6 tỷ đồng.
Huyện An Biên đứng đầu danh sách nhận thừa nhưng giữ lại tiền hỗ trợ với hơn 4,7 tỷ đồng, huyện An Minh hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều xã cấp phát sai quy định trên 4,4 tỷ đồng (đã thu hồi trên 3,1 tỷ đồng). Vẫn liên quan đến số tiền cấp phát chưa đúng từ việc thẩm định sai đối tượng, diện tích, một số xã thẩm định, thống kê sai và giữ lại số tiền thừa hơn 1,3 tỷ đồng.
Tổng số có trên 23.000 hồ sơ (chiếm hơn 50%) bị sai phạm trong hỗ trợ hạn mặn với tổng số tiền trên 14,3 tỷ đồng. Những sai phạm như tẩy xóa diện tích, mức thiệt hại, thiếu đơn xin hỗ trợ, biên bản thẩm định, biên bản họp dân… Ngoài ra còn có trên 4.600 hộ dân bị bỏ sót hỗ trợ với kinh phí cần hỗ trợ trên 39 tỷ đồng (tổng diện tích trên 7.000 ha).
Mặc dù vậy, cơ quan thanh tra không kiến nghị cơ quan điều tra xử lý hình sự đối với những cá nhân sai phạm. Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, Trưởng đoàn thanh tra cho biết đoàn đã làm việc với các ban ngành và khối nội chính của tỉnh, đi đến thống nhất không xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm và kiểm điểm với hình thức kỷ luật với các tập thể, cá nhân có sai phạm tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Châu Thành, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Châu Thành, An Minh, Gò Quao, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở NN&PTNT chủ trì và theo dõi các địa phương triển khai thực hiện kết luận trong 15 ngày. Nhưng đến nay sau gần hai tháng, duy nhất chỉ có huyện Giang Thành báo cáo về việc thực hiện kết luận thanh tra.
Theo báo cáo của huyện Giang Thành, hình thức kỷ luật nặng nhất dành cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND và hai công chức của xã Phú Lợi là khiển trách. Còn các cá nhân công tác tại các xã Vĩnh Điều, Phú Mỹ, Phòng NN&PTNT, Phòng Tài chính – Kế hoạch chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…