Sau ngày 30/7 ghi nhận tổng 8.649 ca, sang sáng 31/7, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục công bố thêm 4.060 ca nhiễm virus Vũ Hán (nCoV), đều do lây nhiễm trong nước.
Bên cạnh cuộc đua y tế tại TP.HCM (đã xác nhận 1.057 ca tử vong), nhân lực y tế tiếp tục được dồn thêm cho tỉnh Bình Dương, khi số ca đã gần chạm mốc 13.500 (đứng thứ 2 cả nước). Khối y tế tư nhân các tỉnh thành đang được yêu cầu khẩn huy động vào tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19.
4.060 ca mắc mới ghi nhận tại 22 tỉnh thành, gồm: TP.HCM (2.503), Bình Dương (868), Đồng Nai (222), Tiền Giang (123), Bà Rịa – Vũng Tàu (76), Cần Thơ (55), Vĩnh Long (48), Bình Thuận (38), Đồng Tháp (31), Phú Yên (28), Kiên Giang (16), Đắk Lắk (11), Sơn La (10), Bình Định (9), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Hà Tĩnh (2), Hậu Giang (2), Kon Tum (1).
Trong đó, tổng cộng 3.087 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 973 ca đang điều tra dịch tễ; lần lượt giảm 913 ca và giảm 14 ca so với con số tương ứng 4.000 ca và 987 ca so với số liệu lúc 6h sáng 30/7.
Cập nhật số ca nhiễm mới tại 22 tỉnh thành, tình hình số ca nhiễm tại 62/63 tỉnh thành của Việt Nam như sau:
Với tổng 1.057 ca tử vong (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cập nhật lúc 7h sáng ngày 30/7), TP.HCM tiếp tục cuộc chạy đua kìm hãm số người tử vong, giảm mức quá tải. HCDC cho hay TP.HCM sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, sớm đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng, tránh chuyển biến nặng, rút ngắn thời gian điều trị F0… để hạn chế thấp nhất các ca tử vong.
Trung tâm cấp cứu 115 đã vận hành thêm 200 taxi chuyển công năng (taxi y tế) và 100 xe cứu thương, để kịp vận chuyển F0 chuyển biến nặng, với 4 trung tâm cấp cứu nhánh được thành lập ở các quận Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 12 để điều phối xe.
Trong ngày 30/7, Bộ Y tế ra thông báo khẩn gửi UBND các tỉnh thành yêu cầu huy động cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19.
Cùng ngày, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) và hai Bệnh viện dã chiến số 3, số 4 tại thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng (tổng 8.000 giường) được quyết định lập thêm tại Bình Dương – tỉnh có số mắc nhiều thứ 2 cả nước (hiện có 4 bệnh viện dã chiến, tổng 16.000 giường). Chủ trương của Bộ Y tế đối với tỉnh này là khuyến khích tự chăm sóc F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà, dành lực lượng y tế cho F0 trung bình cần oxy và F0 nặng.
Theo kế hoạch công bố của Bộ Y tế, thêm 8 đơn vị hồi sức tích cực sẽ được thành lập tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Theo thống kê, ngoại trừ tỉnh Cà Mau có 31 ca, các tỉnh phía Nam còn lại đều có số ca từ trên 100 đến trên 13.400 ca, trong đó 9/17 tỉnh có số ca nhiễm từ 700 ca trở lên.
Từ 18h hôm nay, 31/7, Đà Nẵng chính thức giãn cách toàn thành phố, với thông báo là áp dụng các biện pháp “mạnh hơn, cao hơn Chỉ thị 16” – theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh 20 ngày qua TP này ghi nhận 568 ca COVID-19 mới, nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng liên tiếp, nhiều bệnh nhân chưa rõ nguồn lây lộ ra. Cảng cá lớn nhất miền Trung – cảng cá Thọ Quang đã đóng cửa từ 26/7 tới nay.
Trong khi đó, tại Nha Trang, từ 0h sáng 31/7, 11 xã phường với hơn 180.000 dân đã bị phong tỏa, người dân bị cấm ra đường từ 19h đến 6h hôm sau. Từ ngày 9/7, TP này cùng thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh đã giãn cách theo Chỉ thị 16.
Trong đợt bùng phát hiện tại, từ ngày 27/4 đến nay, tổng số ca nhiễm trong cộng đồng là 137.266 ca. 32.710 bệnh nhân được công bố bình phục, tăng tới 3.704 người so với thời điểm 6h ngày 30/7 (29.006 người).
411 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO, lần lượt tăng 65 và tăng 2 so với con số tương ứng 346 bệnh nhân điều trị ICU và 19 bệnh nhân điều trị ECMO tại thời điểm 6h ngày 30/7.
Đáng lưu ý, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cập nhật vào lúc 7h sáng 30/7, TP này đang có tới 847 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO, tính cộng dồn có 1.057 bệnh nhân tử vong, tăng 128 ca so với cập nhật lúc 7h sáng 29/7 (929 ca).
Trong đó, số ca COVID-19 do lây nhiễm trong nước cao kỷ lục “leo thang” tập trung trong đợt dịch lần 4, gồm các ngày 25/6 (845 ca); ngày 3/7 (914 ca); ngày 4/7 (873 ca); ngày 5/7 (1.089 ca); ngày 6/7 (1.029 ca); ngày 7/7 (1.007 ca), ngày 8/7 (1.307 ca); ngày 9/7 (1.616 ca); ngày 10/7 (1.853 ca); ngày 11/7 (1.945 ca); ngày 12/7 (2.383 ca); ngày 13/7 (2.296 ca); ngày 14/7 (2.934 ca); ngày 15/7 (3.379 ca); ngày 16/7 (3.321 ca); ngày 17/7 (3.705 ca), ngày 18/7 (5.887 ca); ngày 19/7 (4.175 ca); ngày 20/7 (4.789 ca); ngày 21/7 (5.343 ca); ngày 22/7 (6.164 ca), ngày 23/7 (7.295 ca), ngày 24/7 (9.225 ca); ngày 25/7 (7.525 ca); ngày 26/7 (7.859 ca); ngày 27/7 (7.911 ca); ngày 28/7 (6.555 ca); ngày 29/7 (7.593 ca), ngày 30/7 (8.622 ca).
Số tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới giữ nguyên 4 tỉnh, gồm: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn so với cập nhật vào 6h ngày 30/7.
Tổng số ca mắc COVID-19 Việt Nam đã công bố từ đầu mùa dịch (tháng 1/2020) đến nay theo Bộ Y tế công bố là 141.122 ca (2.235 ca nhập cảnh và 138.887 ca mắc trong nước). Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị tăng lên 104.477 bệnh nhân; 35.484 người được công bố bình phục; 1.161 người tử vong (tăng 139 ca so với con số 1.022 cập nhật lúc 6h ngày 30/7).
Trong ngày 30/7, thêm 407.283 người đã tiêm vắc-xin COVID-19 (AstraZeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer), nâng tổng số liều Việt Nam đã tiêm là 5.931.376. Trong đó 5.342.483 người tiêm 1 mũi, 588.893 người tiêm đủ 2 mũi.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
TQ: Dịch bệnh lan ra 15 tỉnh; Chuyên gia: Vắc-xin không thể trừ tận gốc dịch
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…