Cập nhật vào sáng 8/5, Bộ Y tế Việt Nam công bố có thêm 15 ca mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) mới, tất cả đều là ca lây nhiễm trong cộng đồng với Hà Nội 1 ca và Bắc Ninh 14 ca. Từ ca được phát hiện đầu tiên hôm 27/4, hiện 9 bệnh viện đã phải phong tỏa do có dịch COVID-19 xuất hiện trong bệnh viện.
Ca bệnh 3138 (bệnh nhân 3138) tại Hà Nội là bệnh nhân nam, 14 tuổi, là F1 của bệnh nhân 3092. Kết quả xét nghiệm ngày 7/5, bệnh nhi dương tính với virus Vũ Hán (nCoV). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
14 ca bệnh tại Bắc Ninh (từ bệnh nhân 3139 – 3152, gồm 8 nam, 6 nữ) là các trường hợp có địa chỉ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và có liên quan dịch tễ đến các trường hợp mắc trước đó tại ổ dịch xảy ra tại đây, cùng có kết quả xét nghiệm ngày 7/5 dương tính với nCoV. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, tính đến 6h sáng 8/5, Việt Nam đã công bố tổng cộng 1.746 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 176 ca, tại 19 tỉnh thành – đánh dấu đợt bùng phát có tốc độ lây lan nhanh nhất kể từ đầu mùa dịch (tháng 1/2020).
Đáng chú ý, Việt Nam xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên sau tiêm vắc-xin COVID-19, là một nữ nhân viên y tế ở Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu, tỉnh An Giang. Nữ nhân viên này được tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca vào ngày 6/5 và sốc phản vệ, dẫn đến tử vong ngày 7/5 khi đang được cấp cứu. Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong của nữ nhân viên y tế là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng thuốc giảm đau kháng viêm.
Trong đợt tiêm kéo dài hai tháng qua, từ ngày 8/3 đến ngày 7/5, Việt Nam cho biết tổng số người đã tiêm vắc-xin COVID-19 là 801.957 người (ngày 7/5 thêm 54.130 người đã tiêm).
Trong buổi họp chiều 7/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định tình hình dịch COVID-19 của đợt bùng phát thứ 4 phức tạp hơn trước, với một số ổ dịch đã được xác định tại Hà Nam, Yên Bái, Đà Nẵng (còn một số ca chưa rõ nguồn lây), ổ Hải Dương (1 ca chưa rõ nguồn gốc) và các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ và Bệnh viện K.
Với việc xuất hiện các ổ dịch này, có nghĩa là trong cộng đồng đã có nguồn bệnh lây nhiễm – đại diện Chính phủ nhận định.
Do nhiều ca mắc COVID-19 đã từng đến bệnh viện trước khi phát hiện nhiễm bệnh, hoặc những chùm ca lớn phát hiện bên trong bệnh viện, hàng loạt bệnh viện tại Việt Nam buộc phải phong tỏa, cách ly y tế để ngăn chặn nguồn lây.
Tính đến chiều 7/5, tổng cộng đã có 9 bệnh viện tại Việt Nam phải phong tỏa, gồm: Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội); Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập, tỉnh Nghệ An; Bệnh viện Phổi Lạng Sơn; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình; Bệnh viện Quân y 105 (Sơn Tây, Hà Nội); Bệnh viện K Trung ương, cả 3 cơ sở (từ 5h30 ngày 7/5); Bệnh viện Hoàn Mỹ (thành phố Đà Nẵng); Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng (dừng tiếp nhận bệnh nhân từ 11h30 ngày 7/5).
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…