Nhiều phụ huynh, giáo viên nói riêng và công luận nói chung đang hoang mang, lo lắng trước hàng loạt bài tập đọc dành cho học sinh lớp 1, được trích từ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều từ NXB Đại học Sư Phạm TP.HCM.
Nhiều bài tập đọc trích từ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều từ NXB Đại học Sư Phạm TP.HCM đang được cho là có ngôn từ không phù hợp, nội dung câu chuyện không thể hiện rõ tính giáo dục, thậm chí, còn phản giáo dục khi nội dung khơi gợi tính lừa lọc, mưu mẹo,
Phần Tập đọc, Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh diều) có đăng truyện dân gian có tên “Cua, cò và đàn cá” với nội dung như sau:
“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.
Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá.
Cá hết, cò tìm cua. Cua nửa tin nửa ngờ. Cò dỗ:
– Hồ kia to lắm, cua sẽ mê tít.
Cua để cò đưa đi. Cò cắp cua đến gò đất nhỏ. Nó mổ cua. Cua bèn giơ gươm, kẹp cổ cò. Cò van xin. Cua bắt cò đưa nó về hồ cũ.”
Các ý kiến thắc mắc vì sao các nhà biên soạn sách lại lấy một câu chuyện có tính gian xảo, lừa lọc để cho học trò đọc và học như trên?
Bài: “Hai con ngựa” – được phóng tác theo bài thơ “Ngựa đực và ngựa cái ” của Lev Tolstoy. Tuy nhiên, câu chuyện được viết kiểu phóng tác khác xa ý nghĩa của bài thơ nguyên gốc. Điều đáng nguy là câu chuyện phóng tác dường như đang dạy học sinh tính lười biếng, mưu mẹo trốn việc, chưa kể tác quyền đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Nguyên tác bài thơ ngụ ngôn “Ngựa đực và ngựa cái” do Lev Tolstoy chuyển từ truyện ngụ ngôn của Aesop (Ê-dốp):
“Đêm ngày ngựa cái rong chơi
Còn anh ngựa đực cả đời cày thuê
Ban ngày vất vả ê chề
Đói lòng chập choạng đêm về kiếm ăn
Lại nghe ngựa cái can rằng:
Tội gì cày xới nhọc nhằn anh ơi
Tôi mà bị chủ quất roi
Chổng mông tung vó tôi thời đá ngay
Hôm sau ngựa đực nghỉ cày
Chủ lôi ngựa cái ra thay việc đồng
Thế là ngựa cái đành lòng
Ngày ngày đeo ách ra đồng cày thay”.
Bài thơ “Thương ông” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình thương, lòng hiếu thảo, nay cũng bị cải biên và được dư luận nhận xét là lủng củng, thiếu chiều sâu.
Bài thơ gốc có nội dung như sau:
“Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng, khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân quá khó
Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần,
Âu yếm, nhanh nhảu:
“Ông vịn vai cháu,
Cháu đỡ ông lên.”
Ông bước lên thềm
Trong lòng sung sướng
Quẳng gậy, cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu:
“Hoan hô thằng bé!
Bé thế mà khoẻ
Vì nó thương ông.”
Có bài đọc dễ gây hiểu lầm cho học sinh, như bài “Bé Hà, bé Lê”:
Mẩu chuyện có các nhân vật là bà, bố, bé Hà, bé Lê. Theo nội dung trong hình vẽ, Hà là chị của bé Lê, cậu bé vừa tỉnh dậy ngồi trên giường.
Ở bức hình thứ nhất khi Hà bị ho, cô bé nói với bà: “Hà ho, bà ạ”. Nhưng thay vì chăm sóc Hà thì ở bức hình 2, bà lại ra dỗ cậu bé trên giường và nói: “Để bà bế bé Lê đã”. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, nếu chỉ đọc 1-2 bức hình thì học sinh sẽ không hiểu được nội dung.
Trong bài đọc “Sẻ, quạ”, các âm, vần đang được ghép khiên cưỡng, dù để trẻ tập đọc, nhận diện âm, nhưng việc một bài đọc lại không có nội dung khiến việc học âm-vần trở nên máy móc, thụ động.
Thơ ngụ ngôn “Kiến và Ve sầu” của Jean De La Fontaine (Giăng đờ La Phông-ten) với bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh như sau:
“Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày
Từ nay sang tháng hạ
Em lại xin đem trả
Trước thu, thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời
Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi
Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy
Ve rằng: Luôn đêm ngày
Tôi hát, thiệt gì bác!
Kiến rằng: Xưa chú hát
Nay thử múa coi đây”
Trong cuốn sách cho trẻ lớp 1, bài thơ ngụ ngôn được phóng tác thành truyện, không chỉ chuyển hai nhân vật từ “ve và kiến” thành “ve và gà” một cách vô lý, mà cách kể chuyện làm mất hoàn toàn nội hàm của nguyên tác, khiến câu truyện trở nên tối nghĩa và ngô nghê.
Mời quý vị cùng nhìn lại “hàng loạt” những bài đọc được trích từ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1:
Nhận xét về Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Tiến sĩ Chu Mộng Long, Trường Đại học Quy Nhơn viết trên trang cá nhân: “Khi biên soạn giáo trình Văn học cho thiếu nhi, phần văn học dân gian, tôi có nói đến thể loại ngụ ngôn. Ngụ ngôn mang tính trí tuệ hàn lâm hơn là tính chất bình dân.
Về nguồn gốc, thể loại này ra đời từ các triết gia cổ đại nhưng khuyết danh hoặc mang danh một ông nào đó kể lại. Thời cổ có hai loại triết học: tư duy siêu nghiệm và thường nghiệm. Loại thứ nhất thuần tuý trừu tượng. Loại thứ hai thể hiện suy tư về cuộc sống qua quan sát và trải nghiệm của cá nhân rồi đi đến bài học chung cho cả cộng đồng.
Trong phép loại suy đơn giản của logic hình thức, ngụ ngôn thường sử dụng hình tượng loài vật như một ẩn dụ về một triết lý. Điều này làm cho ngụ ngôn khác biệt với truyện loài vật. Ngụ ngôn không lấy loài vật làm đối tượng miêu tả (đặc điểm tự nhiên và mối tương quan với xã hội con người) như truyện loài vật mà chỉ dùng cái tên loài vật như một phương tiện minh họa cho bài học triết lý, còn gọi là hình tượng giả trang. Cho nên hình tượng của ngụ ngôn không là hình tượng trực quan sống động mà là hình tượng của suy tư trừu tượng, tức vẫn đi đến siêu nghiệm như triết học thuần tuý.
Cho nên có loại ngụ ngôn trẻ em tạm hiểu được và có loại trẻ em không thể hiểu được. Loại hiểu được là những truyện đơn giản nằm trong tiềm năng và phạm vi trải nghiệm của trẻ. Còn loại không thể hiểu được là những truyện hoàn toàn thuộc trải nghiệm của người lớn.
Trải nghiệm của người lớn rất phức tạp khi con người phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề của cuộc sống: dối trá, lọc lừa, thủ đoạn… Những truyện này nếu áp đặt cho trẻ em, không chỉ trẻ em không thể hiểu được mà còn tác động ngược.
Do tính chất hàm ẩn rất trừu tượng của hình tượng giả trang, cho nên cái sai, cái xấu bị phê phán, giễu cợt trong ngụ ngôn nhiều khi như ma nhập trực tiếp vào trẻ em làm cho trẻ em tự đồng hoá mình với nhân vật. Không chừng trẻ em thấy lười biếng, lừa lọc, dối trá… tốt hơn là thật thà, siêng năng…, mà với giới hạn lứa tuổi ấy, kể cả giới hạn của giờ học chữ, thầy cô rất khó nói sao cho chúng hiểu.
Tôi hiểu những người soạn sách Tiếng Việt 1 cải cách muốn tích hợp học chữ với học trải nghiệm cuộc sống qua ngụ ngôn, nhưng sự tích hợp ấy là vội vàng và hoàn toàn sai lầm.
Không nhất thiết phải biến trẻ mới 6 tuổi thành người lớn nhanh, vì như vậy là giết chết tuổi thơ hồn nhiên của con trẻ. Mà sự lớn nhanh theo tác động tiêu cực từ trong những mẩu chuyện như vậy thì là một thảm họa của xã hội.
Đó là chưa nói, các mẩu chuyện gọi là “phỏng theo” Lev Tolstoy hay La Fontaine đã bị các nhà soạn sách cắt xén, xuyên tạc hoàn toàn khác với nguyên bản. Trong trường hợp ấy, thầy cô nếu không biết nguyên bản sẽ còn hiểu sai và dạy sai, huống hồ là đặt vào không gian quá tầm đón nhận của trẻ em.
Tôi thật sự bất ngờ là truyện ngụ ngôn lại chiếm một dung lượng lớn trong sách Tiếng Việt 1. Cái chữ với trẻ em đã là ký hiệu trừu tượng, lẽ ra chính câu chuyện và hình ảnh trực quan sẽ làm cho cái chữ trừu tượng trở nên gần gũi, dễ hiểu, đằng này người viết sách chủ quan ném truyện ngụ ngôn vào đó làm cho cái trừu tượng thêm trừu tượng và rắc rối, phức tạp hơn nữa.
Cách bắt ép con chữ với những từ ngữ lượm lặt vỉa hè của dân nói tiếng lóng như “nhá cỏ”, nhá dưa”, “gà nhí”, “gà nhép”,… tưởng sẽ phù hợp với nội dung học chữ, đằng này một mặt làm cho câu văn tối nghĩa, mặt khác làm méo mó, lệch lạc truyện gốc, biến truyện đã khó hiểu lại càng thêm khó hiểu. Đó là mục tiêu phát triển năng lực theo nghĩa đánh thức và phát huy tiềm năng của lứa tuổi hay thách đố trí tuệ trẻ em?
Kết luận nôm na thế này. Đối với người lớn, khi tôi nói toạc móng heo mọi thứ mà nhiều người còn chưa hiểu rồi sinh tranh cãi, chụp mũ tuỳ tiện, huống hồ nói chuyện ngụ ngôn, tức hàm ẩn, bóng gió với trẻ em?”
Văn Duy
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…