Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 (F0) có xu hướng tăng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị TP sớm mở lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đồng tình với đề xuất này, cho rằng tình hình tại TP.HCM có xu hướng giống với tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra ý kiến trên tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM với các quận, huyện về tình hình dịch bệnh COVID-19, ngày 13/11.
Ông Thượng cho hay trong 7 ngày vừa qua, số F0 tại TP.HCM tăng cao, tại các huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp. Ghi nhận trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và Hóc Môn là 2 nơi có nhiều trường hợp dương tính COVID-19.
“Phân tích biểu đồ diễn tiến ca bệnh COVID-19 tại các quận, huyện, có thể thấy, số F0 tại Bình Chánh có chiều hướng tăng và đang đi ngang trong thời gian gần đây. Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh cao và hiện tại có tín hiệu đi xuống. Riêng Bình Tân và Gò Vấp vẫn đang ở mức cao và nằm ngang. Các địa phương có số ca không cao nhưng có xu hướng tăng bao gồm quận 10 và huyện Nhà Bè”, ông Thượng chỉ ra.
Hiện tại, số ca tử vong tại TP.HCM dao động trong khoảng 40 ca/ngày. Trong đó, 85% trường hợp tử vong là người mắc COVID-19 kèm bệnh nền, 52% trường hợp tử vong là người trên 65 tuổi. TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, quận Tân Bình, quận 12 là các địa phương có số ca tử vong cao nhất trong 3 ngày qua (tính từ ngày 10-12/11), Trung tâm báo chí TP.HCM dẫn tin. Số trường hợp tử vong đã tiêm vắc-xin COVID-19 (một mũi hoặc đủ liều 2 mũi) không được đề cập.
Ông Thượng cho hay từ ngày 1/10-12/11 (hơn một tháng qua), các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Ngoài ra, số trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy có xu hướng giảm nhẹ.
Tuy nhiên, ông Thượng lưu ý số F0 cách ly tại nhà tại TP.HCM tăng trong khi số F0 tại các cơ sở cách ly quận, huyện giảm là vì TP đang thu hẹp các cơ sở này, tức là do tác động về mặt quản lý. Ông Thượng đưa ra kiến nghị TP mở lại các cơ sở này, đồng thời có thêm bệnh viện dã chiến để tiếp nhận và điều trị các F0.
“Số ca cách ly tại nhà đang có chiều hướng tăng trong khi trường hợp tại cơ sở cách ly tại quận, huyện giảm dần vì TP đang thu hẹp các cơ sở này. Do đó, Sở Y tế kiến nghị, Ban Chỉ đạo sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0”, ông Thượng nói tại cuộc họp.
Đáng lưu ý, cùng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Công Thương – ông Bùi Tá Hoàng Vũ đề xuất mở rộng kinh doanh đồ uống có cồn (rượu, bia). Phương án 1 là tất cả hàng quán TP.HCM được phục vụ đồ uống có cồn, điều kiện là khách hàng phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, các cơ sở kinh doanh chỉ được hoạt động tối đa 50% công suất và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Phương án 2 là UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh có sử dụng đồ uống có cồn trong khu vực quản lý.
Đưa ra cơ sở cho đề xuất này, ông Vũ cho hay có khoảng 60% doanh nghiệp, cơ sở phục vụ ăn uống tại TP.HCM đã mở cửa hoạt động lại sau ngày 1/10, và việc thí điểm phục vụ thức uống có cồn tại các quán ăn ở TP Thủ Đức và quận 7, 2 địa phương này đã làm tốt, qua kiểm tra, giám sát không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Hai địa phương cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện thí điểm.
Xét các yếu tố về bao phủ vắc-xin, sức khỏe tinh thần và lấy ý kiến của một số chuyên gia, Sở Công Thương nhận thấy việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng do tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa đồng tình với Sở Công Thương, cho rằng ý thức của người dân và doanh nghiệp cũng tăng cao, TP.HCM có thể theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với việc phục vụ ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn.
Trước đề xuất này, Sở Y tế cho rằng trong thời điểm này, TP.HCM nên tiếp tục cho thí điểm mở rộng và có kiểm soát hoạt động sử dụng thức uống có cồn tại hàng quán; nghĩa là mở rộng, thí điểm thêm ở một số quận, huyện và có kiểm soát chặt, tuân thủ nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn và biện pháp phòng, chống dịch.
Dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng số F0 tại TP đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê, vì “không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng”.
Theo ông Nên, qua phân tích của Sở Y tế thì tỷ lệ F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ là trên 90%, riêng tỷ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ; đặc biệt số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện. “Nếu tình trạng này cứ kéo mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số này để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động”, ông Nên nhận định.
Ông Nên cho rằng tình hình F0 hiện tại của TP.HCM đang tương tự thời kỳ đầu TP thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP (cuối tháng 6/2021) và khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến của dịch bệnh của thế giới hiện nay. “Nghĩa là nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vắc-xin tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát”, ông Nên nói.
Nói về lý do ca nhiễm tăng, ông Nên cho rằng nguyên nhân thấy rõ nhất là TP.HCM không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn. Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển tại các Khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát…
Theo đó, ông Nên chi ra có 2 vấn đề buộc TP phải suy nghĩ là số lượng F0 có thể tăng đến mức độ nào và tỷ lệ ca tử vong TP có thể chấp nhận là bao nhiêu?
So với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10, ông Nên cho rằng TP.HCM đã có tỷ lệ phủ vắc-xin cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Nhưng chính quyền TP không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng.
Ông Nên đề nghị chính quyền cần cụ thể hóa các quy định, như tại các cơ sở kinh doanh, cần có bộ tiêu chí kiểm soát cụ thể, quy định rõ ràng chủ cửa hàng phải làm gì, khách đến cửa hàng kiểm soát ra sao, mình giám sát như thế nào, khi vi phạm sẽ xử lý những gì… Từ đó, mỗi người đều biết ai phải làm gì, làm tới đâu và làm như thế nào.
Sở Y tế cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về chế độ chính sách trạm y tế, tổ y tế cộng đồng; phương án huy động các nguồn lực công, tư, thiện nguyện; quy định rõ về vắc-xin, xét nghiệm, thuốc, đường dây nóng, công tác thu dung điều trị; hướng dẫn F0 tại nhà, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bị nhiễm bệnh; rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ.
Trước việc ngành y tế phải bàn giao trường học cho các cơ sở giáo dục dẫn đến việc thu dung khó khăn, ông Nên cho hay các địa phương cần tính toán phục hồi lại các bệnh viện dã chiến. Vì số F0 là lao động tự do, sinh sống tại khu nhà trọ không đủ điều kiện cách ly tại nhà ở TP.HCM còn rất nhiều.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…