Mưa ít, Trung Quốc giữ nước, sông Mekong tái lặp “hiệu ứng dòng nước đói”

Ủy hội sông Mekong (MRC) nêu tình trạng mực nước sông Mekong đang xuống thấp “đáng lo ngại” do ảnh hưởng của lượng mưa và dòng chảy bị hạn chế ở đập Cảnh Hồng (Trung Quốc). Thậm chí, do dòng chảy thấp, đoạn sông chảy qua tỉnh Nakhon Phanom (phía đông bắc Thái Lan) đã chuyển màu xanh lam – hiện tượng “dòng nước đói” – như từng xảy ra vào cuối năm 2019. 

Sông Mekong ở Viên Chăn (Lào) vào tháng 12/2019 đổi từ màu nâu vàng của trầm tích phù sa sang màu xanh lục – “hiệu ứng dòng nước đói“. (Ảnh chụp màn hình/mrcmekong.org)

Ngày 12/2, Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết mực nước sông Mekong đã giảm xuống mức “đáng lo ngại”.

“Mực nước đã giảm đáng kể từ đầu năm do lượng mưa thấp hơn, dòng chảy thay đổi ở thượng nguồn, hoạt động thủy điện trên các nhánh sông Mekong và hạn chế dòng chảy từ đập thủy điện Cảnh Hồng”, thông cáo nêu.

TS Winai Wangpimool, Giám đốc Kỹ thuật của Ban Thư ký MRC cho biết: “Đã có những đợt dâng và giảm đột ngột mực nước ở hạ lưu đập Cảnh Hồng, mức độ xa hơn kéo dài đến tận Viên Chăn, Lào. Điều này đặt ra thách thức đối với chính quyền và cộng đồng về việc chuẩn bị và ứng phó với các tác động có thể xảy ra.”

Theo MRC, kể từ tháng 11/2020, lượng mưa liên tục thấp hơn mức trung bình, giảm 25%. Dữ liệu mực nước quan sát của MRC cũng chỉ ra rằng dòng chảy tại trạm Cảnh Hồng ngày 11/2 là 775 m³/s, giảm gần một nửa so với mức bình thường là khoảng 1.400 m³/s, được ghi nhận lần cuối vào tháng 12/2020.

Mực nước chảy ra tại đập Cảnh Hồng từ ngày 1-7/1 ổn định ở mức 785 m³/s, sau đó dần dần tăng lên 1.400 m³/s vào ngày 15/1, thể hiện mực nước dâng 1,07 m. Dòng chảy sau đó giảm xuống 740 m³/s từ ngày 15-23/1, trước khi tăng lên 990 m³/s vào ngày 29/1. Sau đó, mực nước giảm dần, xuống mức 800 m³/s vào ngày 11/2.

Hồi đầu tháng 1, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc thông báo “bảo trì các đường dây tải điện của lưới điện” và hạn chế dòng chảy từ đập Cảnh Hồng xuống mức 1.000 m³/s từ ngày 5-24/1 (mức bình thường là khoảng 1.400 m³/s).

Lượng nước chảy sẽ dần được khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường vào ngày 25/1, thông báo cho biết. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc không nói rõ mực nước sông trước khi giảm hoặc khối lượng sẽ được khôi phục vào ngày 25/1.

Tại thời điểm này, MRC cho biết theo dữ liệu mực nước quan sát tại đập Cảnh Hồng, mực nước dọc sông Mekong có khả năng giảm khoảng 1,2 m.

8 đập Trung Quốc khiến nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục

Hiện tại, sông Mekong ở tỉnh Nakhon Phanom, phía đông bắc Thái Lan, gần đây đã bắt đầu có màu xanh lam – hiện tượng từng xảy ra vào cuối năm 2019. Điều này được lý giải do dòng chảy thấp, trầm tích sông giảm và sự hiện diện của tảo dưới đáy sông.

Hồi năm 2019, ông Arthit Panasoon, chủ tịch một nhóm bảo tồn ở Nakhon Phanom (Thái Lan) cho hay đây là một dấu hiệu xấu cho thấy sông đang khô cạn, mà các chuyên gia gọi đây là “hiệu ứng dòng nước đói“. Do nước sông quá cạn, dòng chảy chậm lại khiến phù sa – vốn thường bị khuấy lên từ lòng sông – chìm xuống đáy và không di chuyển.

Thêm vào đó, nước trong hơn tạo điều kiện cho các loài thực vật siêu nhỏ hoặc tảo phát triển trên cát và lớp đá bên dưới nền trầm tích ở đáy sông. Tảo thường bị dòng nước cuốn trôi, nhưng do mực nước quá thấp, thay vào đó, tảo sinh trưởng ngày càng dày đặc. Những điều này khiến nước sông có màu xanh lam.

“Tiếp tục tình trạng này có thể có tác động đến vận tải sông, di cư của cá, nông nghiệp và đa dạng sinh học trên sông”,  TS Wangpimool nói. “Để giúp các nước hạ lưu sông Mekong quản lý rủi ro hiệu quả hơn, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước hạ lưu sông Mekong chia sẻ kế hoạch xả nước với chúng tôi.”

Ngày 4/2, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Việt Nam) cho biết Trung Quốc thông báo giảm lưu lượng xả từ đập Cảnh Hồng từ ngày 5-24/1, nhưng “hiện đã ngày 4/2, nước xả ra từ đập Cảnh Hồng vẫn thấp, thậm chí từ ngày 1/2 còn thấp hơn so với trước đó, chưa có dấu hiệu tăng trở lại”. 

Do nước thượng lưu về kém, kết hợp triều dâng, khô hạn và xâm mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSCL. Các nhà nghiên cứu cho biết việc giảm xả thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài trong tháng 1 đến nay sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước và mặn lên cao nhất đợt 1 từ 8/2-16/2, đúng dịp Tết Nguyên đán, và sẽ tiếp tục đợt 2 vào Rằm tháng Giêng.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Việt Nam), dự báo trong mùa khô năm 2020-2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió Chướng.

Vĩnh Long

Xem thêm:

Con đường thoát hạn ở ĐBSCL (bài 2) – Giải pháp cho một Mekong khát nước

Vĩnh Long

Published by
Vĩnh Long

Recent Posts

Sáu điều cần biết về bà Kristi Noem, ứng viên Bộ trưởng An ninh Nội địa của ông Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…

27 phút ago

Ukraine nghiên cứu mảnh vỡ từ tên lửa đạn đạo mới của Nga

Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…

1 giờ ago

Islamabad bị phong tỏa trước cuộc biểu tình đòi trả tự do cho cựu Thủ tướng Khan

Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…

2 giờ ago

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra cam kết mới với Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…

2 giờ ago

VKS: Bà Trương Mỹ Lan nộp 280.000 tỷ đồng mới có cơ sở xem xét giảm án tử hình

Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…

2 giờ ago

Ông Trump xóa sổ băng đảng Venezuela ở Mỹ như thế nào sau khi nhậm chức?

Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…

3 giờ ago