Đằng sau chợ Cái Dăm rộng gần 4.800 m2, quy hoạch 6 tầng là một con ngõ rộng hơn 2 m. Dọc hai bên lề, mỗi người chia nhau những khoảnh ngồi khoảng nửa nét vuông, mỗi người một vài thau tôm, thau cá.
Giá thuê chỗ ngồi ở chợ chui rẻ hơn tiền thuê kiôt là lý do chủ yếu để con ngõ chợ này phát sinh và vẫn tồn tại, dù nỗi sợ bị công an “đuổi” thường trực trong tâm trí. Bán rẻ được thì cả người bán lẫn người mua đều có một đường sống. Mỗi buổi chợ dôi ra vài chục ngàn. Giá vét cuối ngày rẻ thêm vài đồng nữa. 6 tối, bóng công nhân lao động trộn trong bóng những người buôn thúng bán bưng.
Hai khu chợ – một bề thế, sáng đèn, một chui lủi tranh tối tranh sáng. Chúng như hai mảng sáng, tối trên cùng một bức tranh. Trên đó, đời sống của người lao động hiện lên, chông chênh.
Theo Bộ Luật Lao động năm 1994, mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ tái sản xuất sức lao động mở rộng. Mức lương này được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác. Theo đó, từ góc độ xã hội, lương tối thiểu được coi như mức tham khảo cho khoản thu nhập tối thiểu mà một lao động cần có để đảm bảo mức sống tối thiểu.
Thực tế tại Việt Nam, lương tối thiểu đang thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu của người lao động từ nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2010 – 2011, mức lương tối thiểu vùng chỉ đáp ứng khoảng 47% nhu cầu tối thiểu. Đến năm 2015, mức đáp ứng đạt 80% do tốc độ tăng nhanh của tiền lương tối thiểu, theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2015).
Trong khi đó, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong vòng 7 năm, từ 2009 – 2016, tốc độ tăng lương tối thiểu đã tăng trên 20% tại cả bốn vùng. Tốc độ tăng tiền lương tối thiểu vùng bình quân cao hơn gần 4 lần so với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và cao hơn 3 lần so với tốc độ tăng chỉ số giá (CPI).
Lương tối thiểu thường được điều chỉnh tăng theo tốc độ tăng của lạm phát (CPI), đảm bảo mức sống tối thiểu không giảm đi khi giá cả tăng. Nhưng tốc độ tăng lương tối thiểu tăng cao nhanh hơn tốc độ tăng của CPI, về mặt lý thuyết, đứng tại góc độ người lao động mà xét thì là tốt.
Khi lương tối thiểu tăng, người lao động không có lợi, doanh nghiệp thêm chi phí. Vậy ai hưởng lợi? Bảo hiểm và người về hưu, công chức nhà nước, đặc biệt từ năm 2018, khi quy định mới DN và người lao động phải đóng các khoản bảo hiểm trên phần lớn thu nhập thực được áp dụng.
Nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu với lý do để bù đắp lạm phát (thay vì kiểm soát lạm phát), DN sẽ không gánh được chi phí, cuối cùng gánh nặng chi phí lại tác động ngược tới người dân do lao động bị cắt giảm, giá thành sản phẩm tăng cao. Một TS kinh tế cho biết tăng lương tối thiểu không khác mấy với việc tăng thuế. Về lâu dài, nếu các doanh nghiệp không thể tăng sức cạnh tranh thì thặng dư sản xuất chung của nền kinh tế giảm, từ đó, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, ngân sách sẽ hụt thu.
Để tăng thu nhập cần phải tăng tổng sản phẩm (GDP). Trong một đơn vị thời gian không đổi, điều này đòi hỏi năng suất lao động cần phải tăng lên.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tiền lương đang tăng cao hơn năng suất lao động. Từ 2004-2015, Indonesia có tốc độ tăng năng suất lao động 3,6% nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ 2,6%; Singapore có tốc độ tăng tiền lương trung bình 1,2% trong khi tốc độ tăng năng suất lao động 1,8%. Trung Quốc có tốc độ tăng năng suất lao động là 9,1%, tốc độ tăng lương trung bình chỉ khoảng 8,8%. Trong khi đó, Việt Nam có tốc độ tăng năng suất chỉ đạt 4,4% nhưng tốc độ tăng lương trung bình lên tới 5,8%.
Theo TS Nguyễn Đức Thành (VEPR), xét về tổng thể nền kinh tế, lương tối thiểu tăng làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm. Trung bình lương tối thiểu tăng 100% khiến tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 2,3 điểm phần trăm. Tại khu vực doanh nghiệp tư nhân, mức giảm có khả năng lên tới 3,25 điểm phần trăm. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, càng khó để tiến hành những việc như hiện đại hoá thiết bị, cải tiến công nghệ, gia tăng giá trị thương mại vào trong sản phẩm… làm tăng năng suất lao động.
Trong khi chịu tác động do lương tăng vượt bất hợp lý, thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn luôn bị xếp vào hàng thấp trong khu vực từ nhiều năm qua. Năm 2012, trong một nhóm 10 nước tại châu Á, Việt Nam đứng thứ 9 với năng suất một giờ lao động chỉ tạo được 3,4 USD. Đứng đầu là Singapore với năng suất một giờ lao động tạo ra 49,4 USD giá trị gia tăng.
Mức chênh lệch năng suất lao động 14,5 lần có phải vì người Việt Nam lười biếng như cách diễn giải thường gặp hay không? 14 lao động Việt Nam làm việc chỉ bằng 1 lao động Singapore? Hiệu suất lao động của Singapore đạt gấp 14,5 lần nước ta không có nghĩa là công nhân của họ có thể thao tác nhanh gấp 14,5 lần công nhân Việt Nam. Nhưng khi nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào gia công, lắp ráp (trong tổng 175,9 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016, mặt hàng điện thoại, linh kiện (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI) đạt tới 34,5 tỷ USD, tương đương 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước, 50 tỷ USD), thì câu chuyện tăng năng suất lao động không còn chỉ nằm trong tay các doanh nghiệp.
“Đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn”, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo khuyến nghị tại hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do VEPR tổ chức vào tháng 9/2017.
“Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn“, đại diện VEPR nêu tại hội thảo. Tới lúc này, việc tăng lương chỉ là hình thức. Đời sống của người dân càng chông chênh hơn.
Rất nhiều trói buộc và khó khăn từ hệ thống chính sách khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc đổi mới. Những ràng buộc về quy định gây cản trở phát triển song vẫn tồn tại. Nhưng nếu không thay đổi, thì một điều chắc chắn là chúng ta đang chấp nhận một nền kinh tế tiếp tục dựa trên việc khai thác “lợi thế” “nhân công giá rẻ”, khai thác khoáng sản và phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI để tăng trưởng.
Trong cuốn Vì sao các quốc gia thất bại, các tác giả cho hay nhà khoa học chính trị Robert Bates trong những năm 1980 đã tìm hiểu vì sao nông nghiệp đã rất không sinh lời ở châu Phi dù đây phải là khu vực kinh tế năng động nhất theo lý thuyết kinh tế. Ông nhận ra rằng năng suất nông nghiệp thấp chẳng liên quan gì đến địa lý hay các loại nhân tố khác. Năng suất nông nghiệp thấp một cách nội tại đơn giản bởi vì các chính sách giá của các hội đồng marketing đã loại bỏ bất cứ khuyến khích nào cho nông dân để đầu tư, sử dụng phân bón, hay bảo vệ đất.
Ví dụ này cũng không mấy xa lạ với câu chuyện về GS.TS Võ Tòng Xuân – chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của Việt Nam, người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về vùng đất ĐBSCL – người nhiều năm qua kiến nghị hãy dừng lại tư duy trồng nhiều, trồng lấy số lượng mà cần trồng cây lúa có giá trị cao, phải làm gạo xuất khẩu có thương hiệu thay vì chạy theo danh hiệu “quốc gia xuất khẩu gạo”; càng đua trồng lúa bằng mọi giá chỉ khiến vùng đất khan hiếm nước ngọt càng bị tổn thương. Theo ông, với mô hình lúa – tôm, vùng đất phèn nhiễm mặn ven biển có thể mang về cho nông dân một vụ lúa và một vụ nuôi tôm tép, cua, cá kèo… với lợi tức cao gấp 2-3 lần trồng lúa, thay vì phải vất vả ngăn mặn dẫn ngọt về. Thế nhưng, đến nay, vì chính sách an ninh lương thực, Nhà nước vẫn không cho phép đầu tư cho quy trình lúa – tôm này.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…