Chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà chưa thống nhất với tỉnh Thái Bình về việc xây trạm BOT Thái Hà. Sau đó, chủ đầu tư đã có thông tin không chính xác, làm ảnh hưởng tới uy tín tỉnh.
Ngày 20/3, UBND tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đại diện các nhà đầu tư xây dựng tuyến đường bộ Thái Bình – Hà Nam và cầu Thái Hà chạy qua địa bàn huyện Hưng Hà.
Trong buổi làm việc, ông Đặng Trọng Thăng – Chủ tịch UBND tỉnh đã phê bình Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà trong việc thu phí tại cầu Thái Hà vì thông tin không trung thực, gây hiểu nhầm, làm mất uy tín của tỉnh.
Cụ thể, dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình chạy qua huyện Hưng Hà (Thái Bình) có chiều dài 26km. Đây là dự án BT (xây dựng – chuyển giao) do liên danh Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nam Bắc là nhà đầu tư.
Dự kiến, dự án có giá trị quyết toán là 4.634 tỷ đồng. Đến nay, Chính phủ và tỉnh Thái Bình đã thanh toán cho nhà đầu tư số tiền 2.553 tỷ đồng, số còn nợ khoảng 2.081 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa vào danh mục và bố trí số vốn còn thiếu của dự án để thanh toán cho nhà đầu tư, chuyển giao công trình cho tỉnh Thái Bình quản lý.
Do chưa bàn giao cho địa phương nên tuyến đường này vẫn thuộc quyền quản lý của liên danh hai công ty trên.
Tuy nhiên, dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình – Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, cùng nằm trên tuyến đường này lại do một nhà đầu tư khác là Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà thực hiện bằng hình thức hợp đồng BOT.
Do nôn nóng trong việc thu hồi vốn đầu tư, công ty này đã đặt trạm thu phí tại đầu cầu Thái Hà (đã được Bộ GTVT chấp thuận), nhưng lại không có sự bàn bạc thống nhất với chính quyền tỉnh, huyện, xã và các cơ quan chức năng địa phương.
Từ ngày 10/1, BOT cầu Thái Hà chính thức thu phí, nhưng đến chiều ngày 11/1, chủ đầu tư tuyến đường bộ là Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh đã tiến hành cấm đường, vì đây là tuyến đường chưa được bàn giao, hệ thống biển báo giao thông chưa được lắp đặt, rất nguy hiểm.
Nhưng phía Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà lại gửi công văn báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình… với nội dung gây hiểu nhầm sang hướng địa phương gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Vì vậy, cùng với đề nghị Bộ GTVT khẩn trương có văn bản trình Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn còn thiếu trả nhà đầu tư để bàn giao tuyến đường, cũng như Bộ này sớm có văn bản chính thức về mức thu phí tại cầu Thái Hà, ông Thăng khẳng định: “Khi chưa có văn bản, tỉnh Thái Bình không chịu trách nhiệm về bảo đảm an ninh trật tự cũng như các vấn đề liên quan khi thực hiện thu phí khu vực cầu Thái Hà“.
Kim Long
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…