Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Việt Nam vừa kiến nghị Thủ tướng cho dừng cơ chế giám sát đặc biệt đối với Formosa Hà Tĩnh, chuyển sang cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát bình thường sau khi kết luận Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục xong sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (sau đâu gọi là Fomorsa Hà Tĩnh), Bộ TN-MT cho rằng sau hơn 5 năm, đến nay “sự cố môi trường biển” tại 4 tỉnh miền Trung do Fomorsa Hà Tĩnh gây ra đã được khắc phục.
Bộ TN-MT cho biết từ tháng 6/2016 đến nay, các nguồn chất thải phát sinh từ quá trình vận hành thương mại của Fomorsa Hà Tĩnh được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường.
Tổ giám sát liên ngành do Bộ TN-MT thành lập đánh giá vào tháng 9/2020, nước thải do Formosa Hà Tĩnh xả ra môi trường trong quá trình sản xuất đạt quy chuẩn Việt Nam. Formosa Hà Tĩnh đã tái sử dụng nước thải đã xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam, qua đó giảm lượng nước thải xả ra môi trường. Cụ thể, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, Formosa Hà Tĩnh đã tái sử dụng khoảng 110.000m3 nước thải, năm 2021 tái sử dụng 435.000m3 nước thải, quý 1/2022 tái sử dụng 107.000m3 nước thải.
Về khí thải, bụi thải, sau khi Formosa hoàn thành hệ thống xử lý khí thải bổ sung cho xưởng thiêu kết, nồng độ một số chất ô nhiễm đặc trưng trong khí thải tại các ống khói khu liên hợp gang thép luôn đạt quy chuẩn và giảm đáng kể. Trong đó, nồng độ dioxin/furan giảm từ 48-77%, SO2 giảm 50-54%, NOx giảm 32-34%.
Đối với chất lượng môi trường xung quanh, theo đánh giá của Bộ TN-MT, từ khi Formosa hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống hồ sinh học, nồng độ các thông số đặc trưng, chất lượng nước biển trong khu vực ngày càng cải thiện.
Bộ TN-MT dẫn báo cáo của Fomorsa Hà Tĩnh cho hay tổng kinh phí đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường của dự án đến nay là khoảng 1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 10,9% tổng vốn đầu tư cho cả dự án); riêng các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường đầu tư sau sự cố môi trường là trên 350 triệu USD.
Theo Bộ TN-MT, tháng 10/2016, Fomorsa Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải phụ vụ lò cao số 1 theo đúng quy chuẩn.
Tháng 7/2017, Fomorsa Hà Tĩnh đã hoàn thành 7 hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu của Bộ TN&MT, trong đó có hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học diện tích 10ha.
Tháng 3/2019, Fomorsa Hà Tĩnh đã đưa hệ thống CDQ số 1 vào vận hành thử nghiệm, đến tháng 6/2019 công ty này đưa thêm hệ thống CDQ số 2 và 1 thiết bị xử lý khí thải bổ sung cho xưởng thiêu kết, và sau đó các thiết bị xử lý khí thải còn lại cũng được lắp đặt, đưa vào vận hành.
Bộ TN-MT đánh giá hiện nay toàn bộ các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu đã được Fomorsa Hà Tĩnh hoàn thành, bộ đã cấp giấy vận hành chính thức.
“Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, bảo đảm an toàn môi trường, đầu tư bổ sung và đưa vào vận hành nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường theo cam kết với Chính phủ Việt Nam”, báo cáo nêu.
Bộ TM-MT nhấn mạnh Formosa Hà Tĩnh ngoài “bảo đảm an toàn tuyệt đối về môi trường trong quá trình sản xuất”, còn chú trọng đầu tư các công trình xã hội nhằm ổn định đời sống cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại nhà máy, bao gồm xây dựng khu nhà ở trong dự án với 12 dãy nhà ký túc xá 5 tầng và một dãy nhà 11 tầng đáp ứng chỗ ở cho gần 9.000 người; xây dựng khu nhà ở ngoài khu vực dự án với 304 căn hộ 2 tầng dành cho hộ gia đình trong đó có cả trường học, siêu thị…
“Dự án đi vào hoạt động đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung; đặc biệt đã giải quyết việc làm cho trên 13.000 lao động, với thu nhập bình quân tháng đạt hơn 10 triệu đồng/người”, theo nội dung báo cáo.
Bộ TN-MT đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ này chấp thuận phương án xả thải như hiện nay của Formosa Hà Tĩnh, dừng cơ chế giám sát thường xuyên, liên tục đối với Formosa Hà Tĩnh như trong thời gian vừa qua, chuyển sang cơ chế thanh kiểm tra thông thường.
Nguồn thải với các chất rất độc Phenol, Xyanua… bị xả thẳng ra biểnThảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty Fomorsa Hà Tĩnh gây ra bị phát hiện vào ngày 6/4/2016 khi cá chết hàng loạt tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh – Hà Tĩnh). Tình trạng cá chết hàng loạt nhanh chóng lan rộng khắp các vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; ước tính gần 200 tấn cá chết dọc 200km bờ biển miền Trung. Sau nhiều tranh cãi, ngày 29/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm gây nên thảm họa ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, cam kết bồi thường 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) (ngày 30/8, Bộ TN-MT công bố Formosa Hà Tĩnh đã chuyển đủ 500 triệu USD vào kho bạc Nhà nước). Cuối tháng 7/2016, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo về thảm họa môi trường biển miền Trung, tiết lộ Formosa đã không xây bể lọc trong trạm xử lý nước thải sinh hóa như cam kết; nhắc lại nguyên nhân cá chết là do nguồn thải ở khu vực Vũng Áng – Hà Tĩnh chứa keo sắt dưới dạng mixel hấp phụ các chất như Phenol, Xyanua… di chuyển theo dòng hải lưu; thừa nhận “hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng” khi cá chết, rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết. Chính phủ xác định có tới trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp; trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo. 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy phải nằm bờ do không thể đánh bắt trong phạm vi 20 hải lý gần bờ; du lịch thiệt hại nặng khi công suất sử dụng phòng tại 4 tỉnh mất 40-50%. Chính phủ nêu đã xuất cấp trên 4.000 tấn gạo cho dân, nêu sẽ cố gắng đến tháng 8/2016 sẽ đưa tiền đền bù đến cho người dân. Ba tháng sau, ngày 20/9/2016, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo 154 mẫu hải sản miền Trung không nên ăn do nguy cơ còn nhiễm Phenol (hóa chất rất độc, gây bỏng nặng), theo danh sách do Viện Nghiên cứu Hải sản Việt Nam công bố. Ngày 17/5/2018, đại diện Bộ Y tế khẳng định thủy hải sản tại 4 tỉnh trên đã an toàn. |
Tòa án Đài Loan xác nhận có thẩm quyền thụ lý vụ kiện FormosaVOA Tiếng Việt ngày 28/6/2022 cho hay Tòa án Tối cao Đài Loan đã chấp nhận các tòa án tại Đài Loan có thẩm quyền thụ lý vụ kiện Formosa. Đây được cho là bước tiến mới của vụ kiện, sau khi các tòa án cấp dưới đều bác bỏ vụ kiện với lý do rằng họ không có thẩm quyền xử lý vụ việc. Vào tháng 6/2019, Hiệp hội JFFV (Justice For Formosa Victims) được cho là đại diện cho 7.875 nạn nhân Formosa đã đệ đơn kiện 24 công ty liên quan Công ty Formosa Hà Tĩnh lên tòa án ở Đài Loan. Các nguyên đơn chủ yếu là ngư dân, chủ tàu đánh cá, và các nhà điều hành kinh doanh ngành công nghiệp liên quan đến đánh cá hoặc công nhân. Trao đổi với VOA, bà Triều Giang Nancy Bùi, Hội phó đặc trách ngoại giao đồng thời là phát ngôn viên cho Hội JFFV cho hay trong số 7.875 thành viên bên nguyên đơn, chỉ những nạn nhân đang sống ngoài Việt Nam được coi là hợp lệ được tiếp tục vụ kiện, đơn kiện của họ ủy quyền cho luật sư được công chứng tại nước sở tại mà họ đang sống, còn các nạn nhân Việt Nam bị kẹt về công chứng. Tại Việt Nam, trên RFA Tiếng Việt tháng 5/2022, một số hộ sản xuất, kinh doanh các loại mắm tại Hà Tĩnh lên tiếng còn hàng tấn mắm tồn từ năm 2016, gồng gánh tiền bảo quản tới nay nhưng vẫn chưa được bồi thường. Trước thời điểm năm 2020, tỉnh này từ chối trả tiền bồi thường do không công nhận mắm là hải sản tẩm ướp. Năm 2020, Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, sau đó ra thông báo xác định “hải sản tẩm ướp” có bao gồm mắm ruốc và các loại mắm khác. Tỉnh Hà Tĩnh sau đó tiếp tục từ chối bồi thường với kết luận số hàng của các hộ này không phải là thiệt hại do thảm hoạ Formosa năm 2016, không đáp ứng được tiêu chí ở trong Kế hoạch 218 do tỉnh ban hành. |
Vĩnh Long
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…