Thời sự

Mỗi xã sau sáp nhập có thể bố trí 30-60 công an, 6-10 điều tra viên

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến dẫn báo cáo Bộ Công an cho biết mỗi xã sau sáp nhập tùy theo nơi mà có thể bố trí 30 – 60 cán bộ công an, trong đó từ 6 -10 điều tra viên.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều ngày 27/5, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Nội dung chính tập trung vào đề xuất mở rộng thẩm quyền khởi tố, điều tra cho công an cấp xã và bố trí lực lượng công an tại các xã sau sáp nhập, cùng với ý kiến đề xuất thành lập cơ quan điều tra khu vực để giảm tải cho công an tỉnh.

Theo dự thảo luật, điều tra viên trung cấp trở lên là trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã, được thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh phân công, sẽ có thẩm quyền khởi tố và điều tra các vụ án hình sự có mức hình phạt tối đa 7 năm tù xảy ra tại xã.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh đây là yêu cầu thực tiễn, bởi sau khi bỏ cơ quan điều tra cấp huyện, hoạt động điều tra tại cơ sở gặp nhiều khó khăn. Ông cho biết đây là lần đầu tiên tổ chức lực lượng điều tra tại cấp xã, trong khi trước đây công an xã chỉ thực hiện một số nhiệm vụ ban đầu như bảo vệ hiện trường.

Ông Tiến dẫn báo cáo số 1679 của Bộ Công an, cho biết mỗi xã sau sáp nhập sẽ được bố trí 30-40 cán bộ công an, riêng Hà Nội và TP.HCM có thể lên đến 50-60 cán bộ công an. Trong đó, số lượng điều tra viên dao động từ 6-7 hoặc 8-10 người, tùy theo quy mô.

Ông Tiến cho hay trưởng hoặc phó trưởng công an xã, là điều tra viên trung cấp trở lên, sẽ chỉ huy các điều tra viên khác tại xã, chứ không phải mỗi xã chỉ có một điều tra viên.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ủng hộ việc giao thẩm quyền điều tra cho công an cấp xã, nhưng cho rằng chỉ bố trí một trưởng hoặc phó trưởng công an xã làm điều tra viên là chưa đủ. Ông dẫn chứng, trước đây, mỗi cơ quan điều tra cấp huyện tại Đồng Tháp có khoảng 15 điều tra viên nhưng vẫn gặp khó khăn.

Hiện nay, sau khi bỏ công an cấp huyện, các đội điều tra hình sự được chuyển về công an tỉnh, khiến việc xử lý vụ việc tại cơ sở trở nên vất vả. Các điều tra viên tại xã chủ yếu chỉ bảo vệ hiện trường và cung cấp hồ sơ cho công an tỉnh, không thực hiện đầy đủ chức năng điều tra.

Ông Hòa nêu thực tế, để khởi tố vụ án hoặc bị can, điều tra viên phải mang hồ sơ lên công an tỉnh để phó thủ trưởng cơ quan điều tra xét duyệt, sau đó chuyển sang Viện Kiểm sát phê chuẩn. Quy trình này mất nhiều thời gian, đặc biệt khi các tỉnh sáp nhập.

Ví dụ, nếu Đồng Tháp nhập với Tiền Giang, công an tỉnh đặt tại Mỹ Tho, điều tra viên từ Đồng Tháp phải di chuyển hàng trăm cây số để trình duyệt hồ sơ. “Có khi phê duyệt xong, hiện trường đã thay đổi, tội phạm đã trốn mất,” ông Hòa lo ngại.

Để giải quyết, ông Hòa đề xuất thành lập cơ quan điều tra khu vực, tương thích với hệ thống tòa án và viện kiểm sát khu vực. Mô hình này không chỉ giảm tải cho công an tỉnh mà còn giúp công an xã không cần bố trí điều tra viên, đồng thời đảm bảo phối hợp nhịp nhàng giữa điều tra, truy tố, và xét xử.

Ông nhấn mạnh, với khối lượng công việc và tính chất pháp lý nghiêm ngặt của tố tụng, việc chỉ giao một trưởng hoặc phó trưởng công an xã kiêm nhiệm điều tra là quá tải, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can và người bị hại nếu không tuân thủ đúng quy trình.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) đồng tình việc tăng cường năng lực cho công an cấp xã để đảm bảo xử lý vụ việc kịp thời. Tuy nhiên, bà đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này, phù hợp với năng lực thực tế của công an xã.

Bà Lệ cho hay việc giao thẩm quyền phải đi đôi với tiêu chuẩn năng lực, trình độ chuyên môn, và pháp lý tối thiểu cho điều tra viên. Ngoài việc bố trí điều tra viên từ cấp tỉnh, cần có chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng điều tra, thu thập, và đánh giá chứng cứ. Đặc biệt, cơ chế kiểm soát quyền lực phải được chú trọng, với sự giám sát thường xuyên từ thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện Kiểm sát. Bà Lệ cũng đề xuất triển khai thí điểm tại một số nơi trước khi áp dụng rộng rãi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) ủng hộ đề xuất, cho rằng trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, việc xử lý vụ việc tại xã cần nhanh chóng và chuyên nghiệp. Ông nêu rõ, với các vụ án có hồ sơ đóng dấu mật, không thể xin ý kiến hoặc phê duyệt qua công nghệ thông tin, mà phải trình hồ sơ trực tiếp.

Do đó, lực lượng điều tra viên chuyên nghiệp từ cấp tỉnh và huyện được tăng cường xuống xã sẽ đáp ứng được yêu cầu. Ông khẳng định, các điều tra viên này có đủ thẩm quyền để khởi tố và thực hiện các biện pháp tố tụng theo quy định.

Phạm Toàn

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Máy bay ném bom tiên tiến nhất của ĐCSTQ xuất hiện trên đảo tranh chấp ở Biển Đông – Reuters

Trung Quốc đã triển khai 2 máy bay ném bom tiên tiến nhất của mình…

53 phút ago

TT Trump: Harvard nên giới hạn số lượng du học sinh ở mức 15%

Ngày 28/5/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Harvard nên giới hạn tỷ lệ…

1 giờ ago

Nga đề xuất ngày đàm phán tiếp theo với Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề xuất tổ chức vòng đàm phán tiếp theo với…

1 giờ ago

Hoa Kỳ loan báo sẽ bắt đầu thu hồi thị thực của sinh viên Trung Quốc

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio hôm thứ Tư (28/5) tuyên bố rằng Hoa Kỳ…

2 giờ ago

Sơn Đồng: Làng văn hóa khoa bảng của đất Thăng Long

Làng Sơn Đồng (thuộc Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm tượng, và…

2 giờ ago

Tiếng cảm ơn

Tiếng cảm ơn, lời xin phép, xin lỗi, lời mời, tiếng dạ thưa mất dần…

2 giờ ago