Theo Nghị định 154, tối đa 60 ngày từ khi đăng ký khai sinh, bố mẹ hoặc người giám hộ phải làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú cho trẻ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 154/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Cư trú.
Theo Điều 7 “Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên”, nếu người chưa thành niên đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ phải kê khai và xác nhận ý kiến vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi khác thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ cũng phải kê khai, xác nhận ý kiến vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Đáng chú ý, trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh, cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên.
Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.
Trước đó, năm 2014, khi ban hành Nghị định 31, Chính phủ từng quy định trong vòng 60 ngày kể từ khi trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.
Tuy nhiên, đến khi ban hành Nghị định 62/2021 (hiện đang có hiệu lực), quy định trên được bãi bỏ.
Tới đây, Nghị định 154/2024 có hiệu lực, việc quy định thời hạn được 60 ngày lại áp dụng trở lại.
Theo Điều 5 “Giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp”, về đăng ký thường trú, một điểm mới là người dân được dùng giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc thế chấp, cầm cố quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp để đăng ký.
Các giấy tờ khác vẫn giữ nguyên như hiện hành là: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; giấy phép xây dựng; giấy tờ mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận cho tặng, thừa kế; giấy tờ về nhà tình nghĩa; hợp đồng về việc cho thuê, mượn, ở nhà được công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, nếu người dân ở nhà chưa có sổ đỏ thì cần hợp đồng mua bán nhà hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở là có thể đăng ký thường trú.
Với người đăng ký tạm trú, công dân cũng cần cung cấp một trong các loại giấy tờ giống như đăng ký thường trú. Riêng hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì không cần công chứng hoặc chứng thực.
Nếu không có các giấy tờ như quy định, công dân muốn đăng ký tạm trú cần có văn bản cam kết về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và đang sinh sống ổn định, lâu dài, không có tranh chấp. Văn bản cam kết này cần có họ tên, ngày tháng năm sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú, thông tin về chỗ ở đề nghị đăng ký tạm trú và cam kết của công dân.
Ngoài ra, chủ sở hữu cơ sở lưu trú du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, công trình xây dựng, ký túc xá, làng nghề, cũng được phép cho cá nhân được đăng ký tạm trú tại nơi đó.
Nghị định 154/2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/1/2025.
Minh Long
Sau 5 năm tái thiết và cải tạo tỉ mỉ, Nhà thờ Đức bà Paris…
Các cố vấn của ông Donald Trump đã trình bày với ông ba kế hoạch…
Ông Brian Thompson, Giám đốc điều hành chi nhánh bảo hiểm của UnitedHealth Group, đã…
Trong đợt diễn tập của Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, một…
Một tàu hải cảnh Trung Quốc đã tấn công tàu của Cục Bảo vệ và…
Thanh Thực Lục ghi nhận việc giao dịch buôn bán giữa Trung Quốc và An…