Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho rằng việc thu phí tham quan tại Yên Tử (Quảng Ninh) là có căn cứ pháp lý và đúng quy định.
Chiều 1/3, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, báo giới đặt câu hỏi về việc Quảng Ninh thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử từ đầu năm 2018 đang gây ý kiến trái chiều.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nói việc thu phí di tích tại một số địa phương là căn cứ theo Luật phí và lệ phí cũng như các nghị định, thông tư liên quan. Đại diện Bộ cho hay không có địa phương nào thu phí tuỳ tiện. Việc tăng, giảm phí đều thông qua HĐND địa phương.
“Về thu phí tại Yên Tử, chúng tôi được biết triển khai theo đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua“, bà Thủy nói, đồng thời cho hay việc thu phí là để có nguồn tái tạo các khu di tích để khang trang hơn.
“Chúng tôi cũng thấy trong thực tế, việc thu phí, lệ phí của các địa phương là để có nguồn kinh phí tái tu bổ, tôn tạo lại các di tích và chúng ta thấy, nhiều cơ sở, di tích hiện nay đã khang trang, đẹp đẽ hơn, cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách“, Thứ trưởng Bộ Văn hóa cho hay.
Trước đó, ngày 13/12/2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết 88 của HĐND tỉnh quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP Uông Bí.
Theo Nghị quyết, từ ngày 1/1/208, tỉnh sẽ thu phí tham quan Khu di tích Yên Tử, thắng cảnh Rừng quốc gia Yên Tử với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em; các trường hợp miễn, giảm áp dụng theo quy định của nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh – ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định việc thu phí tại Yên Tử được thực hiện dựa trên quy định của Luật phí và lệ phí, và đây không phải phí đi lễ chùa mà là phí tham quan. Tuy nhiên, chùa nằm trong khu di tích thắng cảnh, người dân muốn đi vào chùa không còn cách nào khác phải vào khu di tích và phải trả phí tham quan.
Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết 20% khoản phí thu được chi để đảm bảo hoạt động của bộ máy Ban quản lý; 80% còn lại nộp ngân sách nhà nước để TP Uông Bí thực hiện một số việc đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử.
Từ ngày 25/2 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Yên Tử đã khai hội. “Làng hành hương” của Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử đã hoàn thiện với 75 phòng nghỉ (khoảng 300 giường). Khu vực Chợ quê trong Làng hành hương cũng đã được đưa vào hoạt động đón nhu cầu tham quan và mua sắm của du khách. Dự kiến đến tháng 11 âm lịch năm Mậu Tuất, toàn bộ khu nghỉ dưỡng 5 sao, cung Trúc Lâm với sức chứa đến 2.500 chỗ và Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…