Categories: Thời sựViệt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất nâng mức cảnh báo dịch cúm A/H7N9

Tại Trung Quốc, theo ghi nhận đã có 460 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 96 trường hợp tử vong. Việt Nam có biên giới sát Trung Quốc nên khả năng lây lan dịch bệnh sang Việt Nam là rất lớn. Ngoài ra, hiện nay tại Đài Loan đã ghi nhận 1 ca, Malaysia 1 ca, Canada 2 ca mắc bệnh; tất cả bệnh nhân đều đi về từ vùng dịch Trung Quốc, điều này cho thấy dịch đã có dấu hiệu lây lan ra ngoài Trung Quốc.

(Ảnh minh họa: qua baodansinh.vn)

Sáng ngày 3/3, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp về phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người.

Ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay trong hai tháng trở lại đây, dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc tăng mạnh, nguy cơ tử vong rất lớn.

Khả năng lây lan dịch bệnh ra bên ngoài Trung Quốc đang gia tăng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 10/2016 tới nay, dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc có xu hướng tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc ghi nhận 460 ca mắc. Tính riêng trong tháng Giêng, nước này đã ghi nhận 192 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 79 người thiệt mạng. Tính đến ngày 12/2, có ít nhất 87 người tử vong do cúm A/H7N9; riêng tuần từ 15/2 đến 22/2, có đến 56 ca mắc mới tập trung tại tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây, đặc biệt là tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp ranh biên giới Việt Nam.

Theo ghi nhận, Đài Loan đã phát hiện 1 ca mắc bệnh; Malaysia có 1 ca; Canada có 2 ca; tất cả các bệnh nhân này đều đi về từ nơi có nguồn gốc ổ dịch Trung Quốc, vì vậy càng làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh ra bên ngoài Trung Quốc.

Cục Y tế Dự phòng cho hay phân tích gen virus của hai bệnh nhân mắc bệnh tại Quảng Đông và Đài Loan cho thấy virus cúm A/H7N9 đã có sự thay đổi từ động lực thấp sang động lực cao, tuy nhiên sự thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của virus do quá trình tái tổ hợp và hiện vẫn chưa có bằng chứng là virus này có thể lây lan từ người sang người.

Phòng xét nghiệm chuẩn thức của WHO tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng cho biết trong đợt dịch lần thứ 5 này, có 8/86 (9%) mẫu vi rút cúm A/H7N9 trên người có dấu hiệu chỉ điểm về gen (genetic markers) kháng neuraminidase. Tuy nhiên, WHO chưa có bằng chứng để khuyến cáo các thay đổi về quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9 ở người.

Tại Trung Quốc đại lục, tình hình lây lan dịch cúm gia cầm ngày càng nghiêm trọng, theo công bố của chính quyền Trung Quốc, chỉ trong tháng Giêng vừa qua toàn Trung Quốc đã xảy ra 192 trường hợp nhiễm H7N9.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), kết quả chương trình giám sát chợ gia cầm sống tháng 12/2016 do Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình cấp tỉnh thực hiện tại Giang Tô và Quảng Đông (Trung Quốc) cho thấy có 15,8% và 9,4% số mẫu môi trường thu thập từ chợ gia cầm sống dương tính với H7, 59% số mẫu môi trường thu thập tại TP. Nhạc Dương (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) dương tính với H7N9 và 30% số chợ tại Quảng Châu nhiễm virus cúm gia cầm H7N9.

Việt Nam và khả năng kiểm soát dịch bệnh từ các tỉnh biên giới

Tại cuộc họp, Cục Y tế Dự phòng cho hay hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc có chung đường biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam là: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Hằng ngày, ước tính có khoảng 1.000 – 10.000 lượt người; 100 – 200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu: Cốc Lếu (Lào Cai); Móng Cái (Quảng Ninh); Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn) nên nguy cơ xâm nhập virus cúm gia cầm từ biên giới vào Việt Nam là rất cao.

Theo Cục Thú y, từ năm 2016 đến hết ngày 15/2/2017, tại các tỉnh sát biên giới với Trung Quốc, lực lượng chức năng đã bắt giữ được số gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu gồm: 356.072 con gia cầm giống; 2.365 con gia cầm thịt; 62.406 kg thịt gia cầm và 212.080 quả trứng gia cầm; ngoài ra còn rất nhiều các cửa khẩu tiểu ngạch khác mà cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết được.

>> Dịch cúm gia cầm tiến sát biên giới: Quảng Ninh phát hiện 12.000 con gà giống nhập lậu từ TQ

Hiện, Việt Nam hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A/H7N9, tuy nhiên, trước nguy cơ lây lan cao dịch cúm A/H7N9, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề xuất nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao hơn (mức có ca bệnh). Theo Thứ trưởng, nguy cơ bùng phát trở lại H5N1 là cực kỳ cao do dịch cúm A/H5N1 xuất phát rải rác, không tập trung ở một điểm nào. Do đó, các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn việc ngăn gia cầm nhập lậu, không để ảnh hưởng đến đàn gia cầm trong nước và bảo vệ sức khỏe người dân.

Cập nhật tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đến ngày 03/3/2017

Theo Cục Thú y Việt Nam, hiện cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 14 hộ chăn nuôi thuộc 10 xã của 07 tỉnh chưa qua 21 ngày. Trong đó, cúm A/H5N1 xảy ra tại 10 hộ của 08 xã và cúm A/H5N6 xảy ra tại 05 hộ của 03 xã. Cụ thể:

  1. Bạc Liêu (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), đã qua 11 ngày; số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.785 con.
  2. Nam Định (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 03 hộ chăn nuôi thuộc xã Trực Thuận (huyện Trực Ninh), đã qua 20 ngày; số gia cầm chết và tiêu hủy là 5.185 con.
  3. An Giang (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi thuộc xã Phú Mỹ Đông (huyện Thoại Sơn), đã qua 14 ngày; số gia cầm chết và tiêu hủy là 80 con.
  4. Sóc Trăng (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi thuộc xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú), đã qua 10 ngày; số gia cầm chết và tiêu hủy là 945 con.
  5. Đồng Nai (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi thuộc xã Suối Trầu (huyện Long Thành), đã qua 15 ngày; số gia cầm chết và tiêu hủy là 5.000 con.
  6. Nghệ An (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 02 hộ chăn nuôi của 02 xã là: 1 hộ chăn nuôi tại xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu), đã qua 18 ngày; số gia cầm chết và tiêu hủy là 72 con; 1 hộ chăn nuôi tại xã Diễn Cát (huyện Diễn Châu), đã qua 13 ngày; số gia cầm chết và tiêu hủy là 50 con.
  7. Quảng Ngãi (cúm A/H5N6): Dịch xảy ra tại 05 hộ chăn nuôi của 03 xã là: 1 hộ chăn nuôi (đã qua 19 ngày) tại xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ), tiêu hủy 4.500 con gia cầm; 3 hộ chăn nuôi (đã qua 19 ngày) tại xã Tịnh Ấn Đông (TP. Quảng Ngãi), tiêu hủy 11.000 con; và 1 hộ chăn nuôi (đã qua 17 ngày) tại xã Bình Minh (huyện Bình Sơn) tiêu hủy 2.000 con.

Cục Thú y Việt Nam cho hay toàn bộ gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được cơ quan thú y và chính quyền địa phương tiêu hủy, thực hiện tiêu độc khử trùng ổ dịch, quản lý vùng có ổ dịch, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm tại khu vực,…

Ngọc Long

Xem thêm:

Ngọc Long

Published by
Ngọc Long

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

1 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

2 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

3 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

5 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

6 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

6 giờ ago