Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa cho hay cá chết không phải là do bệnh dịch mà do trong nước có hàm lượng một số hóa chất cao vượt ngưỡng cho phép.
Sáng 3/3, Sở TN&MT công bố kết quả phân tích các mẫu nước lấy tại thời điểm cá chết bất thường hàng loạt trên sông Âm (đoạn qua xã Giao An, huyện Lang Chánh và xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) vào cuối tháng 2.
Kết quả phân tích 3 mẫu nước đoạn qua xã Vân Am (huyện Ngọc Lặc) và xã Giao An (huyện Lang Chánh) cho thấy: chỉ số DO không đảm bảo quy chuẩn yêu cầu; chỉ tiêu COD vượt Quy chuẩn Việt Nam 2,77 đến 9,45 lần; chỉ tiêu NH4+ vượt 1,86 đến 2,8 lần; chỉ tiêu NO3 vượt 1,06 đến 1,75 lần; chỉ tiêu Mn vượt 2,94 lần.
Kết quả của Phòng nuôi trồng thủy sản và Chi cục thú y (Sở NN&PTNT) cũng cho thấy cá chết trên sông Âm không phải do bệnh dịch mà do ảnh hưởng của môi trường nước.
Kiểm tra thực tế hoạt động xả thải trên 15km dọc tuyến sông Âm cho thấy 3 cơ sở sản xuất giấy vàng mã tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi, huyện Lang Chánh (Công ty cổ phần lâm sản Lang Chánh, Công ty TNHH sản xuất thương mại Vận tải Tuấn Vinh và Hợp tác xã chế biến Lâm sản Lang Chánh) có nguồn nước thải ra sông Âm. Trong quá trình sản xuất, 3 cơ sở này có nhiều dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, theo biên bản xử lý vi phạm hành chính của Sở TN&MT Thanh Hóa, Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh đã đầu tư thêm 2 dây chuyền xeo giấy, nhưng chưa báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, chưa lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại.
Công ty CP lâm sản Lang Chánh chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải nhưng đã đi vào hoạt động, đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất giấy vàng mã trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
HTX chế biến lâm sản Lang Chánh chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết khi cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất giấy vàng mã, chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ.
Tại thời điểm kiểm tra, không có cơ sở nào xả nước thải ra môi trường, nhưng mực nước tại các hồ chứa trong khuôn viên các đơn vị có dấu hiệu tiêu hao bất thường. Ngoài ra, đoàn công tác đã phát hiện và yêu cầu tháo dỡ đường ống nước dẫn từ bể nước thải HTX chế biến lâm sản Lang Chánh trực tiếp ra sông Âm.
Ngoài xử phạt hành chính, Sở TN&MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao lực lượng Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra các đơn vị trên.
Như vậy, từ kết quả phân tích các mẫu nước lấy từ khu vực cá chết trên sông Âm đoạn qua xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho thấy nước trên sông Âm đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt vào hôm 22/2. Cá chết trải dài hơn 10 km từ làng Tró (giáp với xã Giao An, huyện Lang Chánh) đến khúc sông qua xã Vân Am. Theo thống kê từ địa phương, lượng cá tự nhiên chết ước khoảng 4 tạ.
Đây cũng không phải lần đầu tiên cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp Bãi Bùi (xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh) gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Âm khiến cá chết hàng loạt.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…