Trong thông báo chính thức vào ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – ông Phạm Minh Chính yêu cầu xem xét chế tài xử lý những người không chịu tiêm vắc-xin chống COVID-19, trừ những người có vấn đề sức khỏe, chống chỉ định tiêm. Hiện 97% dân số trên 18 tuổi tại Việt Nam đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và 81,6% đã tiêm đủ 2 liều, theo số liệu từ cơ quan y tế.
Thông tin trên được đưa vào trong thông báo số 347 vào ngày 22/12 do Văn phòng Chính phủ ban hành, về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến ngày 16/12 với giới chức các tỉnh thành về các giải pháp ngăn ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngăn số ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19…
Tại thông báo này, ông Chính cho rằng tình hình dịch ở Việt Nam “cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc”. Tuy nhiên, những ca nhiễm COVID-19 mới và ca tử vong liên quan thời gian gần đây diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng trên được cho rằng là vì các hoạt động xã hội trở lại bình thường; việc đi lại của người dân tăng; nhiều người có tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng; còn tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng; biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh; một bộ phận người dân chưa tiêm vắc-xin.
Về số ca tử vong tăng, ông Chính nhận định tử vong chủ yếu ở người cao tuổi, người có bệnh lý nền, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin.
Yếu tố về năng lực, nhân lực y tế được đề cập tới cuối cùng, và ông Chính cho rằng là do sự bị động của các địa phương. Văn bản nêu: “Việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được triển khai kịp thời ở một số nơi, dẫn tới bị động, lúng túng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số địa phương thiếu chủ động nguồn nhân lực, dựa vào lực lượng hỗ trợ của trung ương và các địa phương khác.”
Đưa ra giải pháp, ông Chính yêu cầu về tổng thể, các địa phương, bộ ngành… bám theo 3 trụ cột “cách ly-xét nghiệm-điều trị” và công thức “5K +vắc-xin/thuốc điều trị + ý thức + các biện pháp khác”; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Để giảm số ca nhiễm, ông Chính nhấn mạnh “thần tốc hơn nữa” trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19. “Chậm nhất ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1/2022”, ông Chính nêu rõ các mốc thời gian thực hiện.
Đồng thời, ông Chính yêu cầu các đơn vị chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Chính yêu cầu các địa phương phải đảm bảo tiến độ tiêm vắc-xin khi được phân bổ, xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể khi không hoàn thành nhiệm vụ.
“Phải ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người’, tổ chức các tổ lưu động để vận động người dân và tiến hành tiêm vắc-xin; xem xét chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vắc-xin (trừ người chống chỉ định tiêm)” – văn bản nêu rõ.
Văn bản không cho biết bộ, ngành nào được giao xem xét chế tài xử lý người không chịu tiêm vắc-xin COVID-19.
Theo thống kê từ Bộ Y tế vào cuối ngày 23/12, trung bình số ca nhiễm mới trong nước trong 7 ngày qua là 15.909 ca/ngày. Với 1.604.712 ca nhiễm, Việt Nam hiện có số ca nhiễm đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số tử vong trung bình trong 7 ngày qua là 239 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.531 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Vào chiều 18/12, báo Sức Khỏe & Đời Sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế dẫn thông tin cho hay đến ngày 17/12, 97% dân số trên 18 tuổi tại Việt Nam đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và 81,6% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều. Tại thời điểm này, Việt Nam đã đưa vào tiêm 137,6 triệu vắc-xin; ngoài tiêm phủ mũi 2, một số tỉnh thành đang tiếp tục tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại.
Tới cuối ngày 22/12, tổng số liều vắc-xin đã tiêm tăng lên hơn 142,3 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.524.842 liều, tiêm mũi 2 là 64.109.397 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc-xin Abdala) là 1.708.262 liều.
TP.HCM sẽ tiêm mũi nhắc lại với người dân toàn thành phốTrong cuộc họp báo vào chiều 23/12, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, TP đang điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng, rút ngắn thời gian tiêm mũi nhắc lại cho người dân chỉ còn cần đủ 3 tháng. Với nhóm công nhân, học sinh, người dân sau khi hoàn thành tiêm mũi 2, TP sẽ lập danh sách để tiêm mũi 3 trên toàn dân, dự kiến sẽ tiêm trước Tết Nguyên đán. Bà Mai cho hay đợt tiêm này tiêm trước cho nhóm người nguy cơ phát hiện được và các địa phương cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao những người có nguy cơ chưa tiêm. “Các trường hợp chống chỉ định tiêm thì các đơn vị phường xã địa phương đến từng nhà hỏi thăm và thực hiện tiêm bổ sung”- bà Mai nói. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 22/12, sau 15 ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” ở các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, TP.HCM ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, phát hiện 24.420 người chưa tiêm vắc xin COVID-19 (chiếm tỷ lệ 4,2%). |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…