Việt Nam

TP.HCM “cầu cứu” Chính phủ “gỡ” dự án ngăn triều, chống ngập 10.000 tỷ

Nguyên nhân chính khiến dự án ngăn triều, chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM bị đình trệ, 8 năm chưa hoàn thành, là từ các vướng mắc về thủ tục hành chính do điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn để hoàn thành. 

Một tuyến đường tại TP.HCM bị ngập do triều dâng trong tháng 10. (Ảnh: Shutterstock)

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị phương án tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (thường được gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng).

Có 3 khó khăn lớn nhất được Chủ tịch UBND TP. HCM đề cập.

Thứ nhất, chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình triển khai có sự thay đổi. Các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia.

Theo UBND TPHCM, dự án trong quá trình thực hiện có khả năng phát sinh dẫn đến tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỷ đồng. Hiện nay, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi.

Cũng theo UBND TPHCM, lũy kế giá trị giải ngân để thực hiện dự án là gần 8.300 tỷ đồng, trong đó 7.100 tỷ đồng từ vốn vay và hơn 1.181 tỷ đồng từ vốn tự có của nhà đầu tư. Dự án vẫn cần thêm khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thành.

Thứ hai, là không có nguồn vốn để hoàn thành công trình. Việc này được cho là xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn với BIDV khoảng 3.560 tỷ đồng. Nên trong trường hợp được gia hạn, BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư.

UBND TP.HCM từng kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ xem xét trình Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép TP.HCM ủy thác từ ngân sách thành phố cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), từ đó HFIC cấp vốn vay cho nhà đầu tư hoàn thành dự án. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng phương án này chưa phù hợp vì Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 không quy định việc sử dụng ngân sách địa phương để ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Do đó, TP.HCM hiện chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác để nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục thi công, hoàn thành công trình chống ngập. Giải pháp mà TP.HCM đề xuất là rà soát, điều chỉnh các điều khoản thanh toán trong hợp đồng. Theo đó, sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng các quỹ đất đã được xác định, tạo nguồn vốn để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.

Thứ ba, chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Nguyên nhân do dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội và Nghị định số 35 năm 2021 của Chính phủ.

TPHCM đã đàm phán và ký kết hợp đồng, cùng với phụ lục hợp đồng, theo đó thanh toán cho nhà đầu tư 16% giá trị quyết toán (khoảng 1.588 tỷ đồng) bằng quỹ đất và 84% còn lại (khoảng 8.380 tỷ đồng) bằng tiền mặt.

Dự án chống ngập: Tính 3 năm hoàn thành, 8 năm chưa xong

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 được khởi công vào tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018 (36 tháng). Dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực trung tâm TP.HCM và bờ hữu sông Sài Gòn.

Dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao); Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thực hiện.

Tính đến nay, dù đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, dự án hiện chưa xác định được thời hạn hoàn thành. Tổng công, dự án đã phải tạm dừng thi công ba lần, lần đầu kéo dài tới 10 tháng, lần thứ hai 8 tháng, lần gần nhất từ ngày 15/11/2020 đến nay (do thiếu vốn, vướng thủ tục). Tại Báo cáo 871 ngày 28/11/2023 của nhà đầu tư, lũy kế giá trị giải ngân để thực hiện dự án đến thời điểm báo cáo là hơn 8.276 tỷ đồng/9.976 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại cần huy động để thi công hoàn thành công trình là khoảng 1.800 tỷ đồng.

Với văn bản do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký trình Thủ tướng, đây là lần thứ 3 UBND TP.HCM viện Chính phủ “gỡ” cho dự án chống ngập 10.000 tỷ.

Sơn Nguyên

Sơn Nguyên

Published by
Sơn Nguyên

Recent Posts

Mỹ cân nhắc thay đổi chiến lược răn đe hạt nhân

Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…

4 giờ ago

Đồng minh của ông Trump: Ukraine có thể giúp nước Mỹ giàu có

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…

4 giờ ago

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…

12 giờ ago

Kinh tế tuần 18-22.11: Vàng tăng phi mã, tỷ giá kịch trần

Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…

13 giờ ago

Trung Quốc tăng gấp ba lần lượng uranium nhập khẩu từ Nga

Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…

14 giờ ago

Luật sư nhân quyền TQ kể chuyện bị tra tấn bức hại vì ủng hộ Pháp Luân Công

Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…

14 giờ ago