Cụ thể, hôm 1/3, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM công bố bốn nhóm lĩnh vực ứng dụng ChatGPT mà thành phố đặt hàng với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo đó thành phố tiếp nhận các giải pháp ứng dụng ChatGPT trong các dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ thực hiện cho người dân; Ứng dụng ChatGPT vào tổng đài 1022 nhằm ghi nhận ý kiến và trả lời kiến nghị.
Các ứng dụng ChatGPT trong hỗ trợ lãnh đạo bằng các giải pháp nghiên cứu xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ tài liệu…
Về hoạt động giáo dục, các ứng dụng ChatGPT cần giúp thành phố xây dựng hệ thống trợ lý học tập bằng các giải pháp trợ lý ảo học tập phục vụ cho thầy cô, học sinh các cấp.
Về nghiên cứu cơ chế bảo mật, bảo vệ dữ liệu, thành phố tìm kiếm các giải pháp về an toàn thông tin, quản lý dữ liệu của các cơ quan, tổ chức khi sử dụng ChatGPT.
Các giải pháp của nhà khoa học, viện trường, doanh nghiệp được thực hiện thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận, triển khai.
ChatGPT là một phần mềm hỏi đáp do công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) phát triển. Từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, công cụ này đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết code theo yêu cầu chỉ trong vài giây. Đây là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến 31/1 vừa qua. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập về mặt đạo đức và pháp lý.
Phan Anh