Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM – ông Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị ngành y tế TP yêu cầu các xe cứu thương tạm dừng việc hú còi cả ngày và đêm, “để người dân an tâm, không hoang mang”.
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 vào chiều 23/8, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nói rằng đường phố đã rất thông thoáng, không còn lưu thông dày đặc. Vì vậy, ông Khuê đề nghị các xe cấp cứu, cứu thương tạm dừng việc hú còi cả ngày và đêm, mà chỉ cần dùng đèn xoay.
“Chúng ta cần nghĩ đến tâm lý người dân, tâm lý xã hội. Hãy để người dân an tâm, không nên có các yếu tố tạo sự hoang mang”, ông Khuê nói, theo Trung tâm báo chí TP.HCM.
Ông Khuê kể rằng vào tối 22/8, khi đi kiểm tra Quận 5, có đi qua Quận 10, Quận 11. Trong khoảng 19-20h, mặc dù trời mưa và đường phố vắng nhưng xe cứu thương vẫn hú còi nhiều hướng.
Trước đó, ngày 5/8, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho hay sẽ đề nghị lên Sở Y tế TP để các loại xe cứu thương khi lưu thông trong đợt dịch COVID-19 không nên hú còi. Vì xe cứu thương hú còi để kêu gọi nhường đường khi xe cộ lưu thông đông đúc. Nay thành phố đang giãn cách xã hội, đường trống thì xe cứu thương hạn chế hú còi đến mức tối đa, đặc biệt là về ban đêm.
“Lúc chưa giãn cách kẹt xe cần phải hú còi từ xa để người dân né, bây giờ đường trống trơn, đặc biệt sau 18h hạn chế tối đa người dân ra đường, thì đâu nhất thiết phải hú còi. Việc này rất ám ảnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân dữ lắm, đặc biệt là những người cao tuổi. Do đó việc hạn chế hú còi trong thời điểm này là điều cần thiết” – ông Long nói, theo Tuổi Trẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến 6h sáng ngày 24/8, TP.HCM có 180.733 trường hợp mắc COVID-19 do Bộ Y tế công bố, trong đó 180.304 ca nhiễm trong cộng đồng, 429 ca nhập cảnh. Hiện ngành y tế TP đang điều trị 36.029 bệnh nhân, trong đó có 2.243 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.563 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24/8, 1.671 bệnh nhân xuất viện, 340 trường hợp tử vong. |
Ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) – ông Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành Kế hoạch số 3235/KH-BTTTT về công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian tới.
Bộ này cho hay “thời gian gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng, số ca mắc và các ca tử vong tăng cao ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam”.
Theo đó, Bộ TT-TT yêu cầu huy động các phương thức truyền thông (báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, trang tin điện tử, mạng xã hội, mạng viễn thông, các công nghệ hỗ trợ và quét, phân tích, điều tiết xu hướng thông tin…) vào việc tuyên truyền thông tin.
Một số giải pháp đáng lưu ý do Bộ TT-TT đưa ra như:
Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền nổi bật các giải pháp của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền Thành phố; nỗ lực của Thành phố chăm lo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách; nhấn mạnh sự tăng cường tham gia của quân đội, công an, các lực lượng khác là để cùng TP.HCM hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn của đại dịch.
Các cơ quan báo chí cử phóng viên có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn chuyên trách thông tin về phòng, chống dịch; chủ động theo dõi các thông tin, quan điểm, hình ảnh trên không gian mạng xã hội để lan tỏa những thông tin tích cực đã được kiểm chứng, cảnh báo tin giả, xuyên tạc, bóp méo, cắt cúp sự thật.
Báo chí được lưu ý cần thận trọng trước các thông tin; không đăng tải các dự báo thiếu căn cứ về các nguy cơ; không giật tít tin, bài theo kiểu dạng nghi vấn, lửng lơ dễ gây suy diễn, hiểu theo hướng tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch; tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, không phản ánh bản chất tình hình chung.
Đồng thời, báo chí thận trọng khi sử dụng và không bình luận hình ảnh các phương tiện, vũ khí, khí tài của quân đội công an tại TP, tránh để bị lợi dụng, kích động, xuyên tạc, chống phá; phản bác các thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng. Cơ quan báo chí có sai sót khi đăng tải thông tin thì phải đính chính ngay.
Dùng những cơ chế phối hợp đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bóc gỡ triệt để tin giả, tin xuyên tạc, bóp méo các quan điểm, phương pháp chống dịch, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhân dân và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chống dịch, ổn định xã hội.
Bộ TT-TT nhấn mạnh rằng trong tình hình siết chặt giãn cách xã hội hiện nay ở TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, cần ưu tiên các phương tiện, phương thức truyền thông nhanh và tốt nhất đến người dân; đặc biệt là dân nghèo, người nhập cư khu ven đô (không TV, không điện thoại thông minh, chính quyền khó quản lý…).
Vì vậy, Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan liên quan sử dụng hệ thống loa truyền thanh, hệ thống loa di động… để thông báo ngắn gọn các chính sách, đặc biệt là các thông tin, chính sách cụ thể giúp an dân (như: lịch chuyển, cách chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc đến người dân, các biện pháp chăm sóc F0 ở nhà, các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng xã, phường…).
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…