Quy mô đầu tư xây dựng hệ thống thu phí bao gồm vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm TP gồm quận 1, quận 3 theo công nghệ thu phí đa làn không dừng.
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm.
Theo đề xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD – nhà đầu tư), các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín xung quanh khu trung tâm (quận 1, 3), gồm các tuyến đường: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8 – đường Ba Tháng Hai – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – Võ Văn Kiệt – Tôn Đức Thắng. Một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (Tân Bình).
Giải pháp kết nối thanh toán với hệ thống thu phí tự động không dừng VETC và VDTC để thực hiện thu phí các phương tiện đã dán thẻ RFID khi đi qua các điểm thu phí.
Dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM sẽ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) – Hợp đồng BLT (Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao) thời hạn 10 năm và không tái đầu tư.
Tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.274,1 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu 478,1 tỷ đồng và tổng chi phí vận hành (có bao gồm lãi vay) là 1.796 tỷ đồng.
Nhà đầu tư tự thu xếp các nguồn vốn để thực hiện án theo hình thức hợp đồng BLT. Kinh phí lập đề xuất dự án do nhà đầu tư đề xuất tự cân đối, chi trả.
Trước đó, hồi năm 2010, giới chức TP.HCM từng chấp thuận đề xuất của ITD về dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm, với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. 36 cổng thu phí tự động được xây trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Tuy nhiên, dự án phải dừng lại vì bị chuyên gia, dư luận phản đối.
Năm 2019, Sở GTVT tiếp tục đề xuất đầu tư 34 cổng thu phí ô tô vào trung tâm, do Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (hiện là Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị) làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng từ ngân sách. Đề xuất lần này của Sở cũng cơ bản dựa trên quan điểm của ITD trước đó và hiện vẫn chưa triển khai.
Hồi tháng 10/2020, UBND TP.HCM phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông.
Đề án đặt ra mục tiêu phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng, đến năm 2025 đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tăng lên 25% vào năm 2030….
Đề án chia nhiều lộ trình, thực hiện từ năm 2020 – 2030, kết hợp song song các giải pháp phát triển vận tải công cộng như metro, xe buýt, BRT… với các giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới như thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp thu phí ô nhiễm môi trường của mô tô, xe máy 2 – 3 bánh với tổng cộng 27 nhóm giải pháp.
Đến giữa tháng 9/2021, TP.HCM quản lý gần 8,4 triệu phương tiện, với hơn 806.000 ô tô và khoảng 7,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng ôtô đăng ký mới tăng gần 3,8%, xe máy 3,3%. Trong đó, 9 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 109 ô tô và 438 xe máy đăng ký mới.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…