Ảnh chụp trên không của Dinh Gia Long ở Quận 1, tháng 2/2020. Dinh Gia Long hiện là Bảo tàng TP.HCM. (Ảnh: Duc Huy Nguyen/Shutterstock)
Quận 1 (TP.HCM) dự kiến sắp xếp 10 phường thành 4 phường, trong đó, phường Sài Gòn được nhập từ khu phố 1 của phường Nguyễn Thái Bình và phường Bến Nghé hiện tại.
UBND quận 1 (TP.HCM) vừa trình phương án sắp xếp 10 phường hiện hữu theo kế hoạch sắp xếp lại đơn vị hành chính trên toàn quốc. Đây là quận trung tâm của TP.HCM, số thu ngân sách năm 2024 vượt 20.371 tỷ đồng, đạt 118,78% chỉ tiêu.
Dự kiến quận 1 (diện tích khoảng 7,72km2, quy mô dân số 246.100) sẽ có 4 phường là Tân Định, Sài Gòn, Bến Thành, Cầu Ông Lãnh.
Trong đó, phường Tân Định do nhập phường Tân Định và Đa Kao; diện tích khoảng 1,6km2 với 63.000 dân.
Phường Sài Gòn do nhập khu phố 1 của phường Nguyễn Thái Bình và phường Bến Nghé; diện tích 2,6km2 với khoảng 32.100 dân.
Phường Bến Thành do nhập phường Bến Thành, Phạm Ngũ Lão, khu phố 1, khu phố 6 của phường Cầu Ông Lãnh và phần diện tích còn lại phường Nguyễn Thái Bình; diện tích khoảng 1,8km2 với 71.700 dân.
Phường Cầu Ông Lãnh do nhập phường Nguyễn Cư Trinh, Cầu Kho, Cô Giang và phần diện tích còn lại phường Cầu Ông Lãnh; diện tích khoảng 1,6km2 với 78.700 dân.
Theo Chủ tịch UBND quận 1 – ông Lê Đức Thanh, tên phường Sài Gòn được thành phố khuyến khích sử dụng để đặt tên cho phương án phường mới. Ông Thanh cho hay việc chọn tên gọi “Sài Gòn” là dựa theo yếu tố lịch sử, vì nơi đặt tên phường Sài Gòn có các công trình tiêu biểu của Sài Gòn như Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND thành phố… Tính Sài Gòn thể hiện rõ và khi nhắc đến sẽ hình dung ra được, theo báo Vnexpress.
Tên gọi “Chợ Lớn” cũng được dự kiến đặt tên cho một phường tại quận 1, trên cơ sở sáp nhập phường 11, 12, 13, 14, diện tích khoảng 1,6 km2 với 85.000 người dân.
Quận 5 cũng sẽ có phường Chợ Quán, được lập trên cơ sở sáp nhập phường 1, 2, 4 với diện tích khoảng 1,2 km2 với 63.500 người; phường An Đông sáp nhập phường 5, 7, 9 với diện tích khoảng 1,3 km2 với 81.200 người.
Theo thông báo mới đây về việc đặt tên cho các phường mới, Sở Nội vụ TP.HCM lưu ý chính quyền TP. Thủ Đức và các quận huyện đặt tên phường xã theo tiêu chí dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ.
Sở Nội vụ đề nghị UBND quận 1 cân nhắc có một phường mới tên Sài Gòn, quận 5 có đơn vị hành chính tên Chợ Lớn; quận Tân Bình và huyện Củ Chi cân nhắc việc đặt tên đơn vị hành chính mới gắn với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và sử dụng các tên của xã, thị trấn hiện hữu trước khi sắp xếp.
Theo Sở Nội vụ, tính đến ngày 10/4, cơ quan này đã tiếp nhận, tổng hợp phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới của TP Thủ Đức và các quận, huyện trong TP; 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu dự kiến sẽ sắp xếp thành 110 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 169 đơn vị hành chính cấp xã cũ.
Địa danh Sài Gòn được cho là ra đời từ năm 1674, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776. Khi người Pháp tới Đông Dương, thành phố Sài Gòn được thành lập, là thủ đô của Liên bang Đông Dương giai đoạn 1887–1901 (sau đó thủ đô Liên bang Đông Dương được chuyển ra Hà Nội). Trung tâm của đô thị Sài Gòn tập trung chủ yếu ở quận 1 và một phần quận 3, còn Thành phố Chợ Lớn là khu vực có đông người Hoa sinh sống, trải dài ven kênh Tàu Hủ thuộc quận 5 và quận 6. Năm 1931, Khu Sài Gòn – Chợ Lớn được thành lập, bao gồm Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn. Năm 1941, Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn. Sài Gòn trở thành thủ đô của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ rồi Quốc gia Việt Nam, và Việt Nam Cộng hòa sau Hiệp định Genève năm 1954 với tên gọi chính thức là Đô Thành Sài Gòn. Sau đó, tên Sài Gòn – Gia Định được thay thế từ ngày 30/4/1975 đến ngày 2/7/1976, khi đổi thành TP.HCM. |
Minh Sơn
Kháng sinh là một trong những thành tựu của y học hiện đại. Thế nhưng,…
Nếu đố kỵ với thành công của người khác, hả hê trước sự thất bại…
Lịch sử bảo vệ đất nước trước phương bắc của các bậc tiền nhân không…
Quốc hội Hungary đã thông qua một sửa đổi hiến pháp, trong đó chỉ công…
Tiền có thể mua phòng ốc để ở nhưng không thể mua được mái nhà…